(TT. Thông tin – Văn Lang, 01/3/2015) – Ngày 27/02/2015, Bộ Giáo dục & Đào tạo chính thức ban hành “Quy chế Thi trung học phổ thông quốc gia” và “Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy” (nhấp vào đường link để đọc toàn văn các Quy chế).
Những văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT làm nóng lại không khí tuyển sinh 2015, phần nào làm an lòng nhiều học sinh, phụ huynh, các đơn vị đào tạo, vốn đang ngóng chờ diễn biến của một kỳ tuyển sinh nhiều điều chỉnh căn bản.
Trên tinh thần thực hiện Quy chế, một số điểm cốt lõi của tuyển sinh ĐH 2015 và phương thức tuyển sinh tại Trường ĐH Văn Lang sẽ là:
Đại đa số các trường ĐH-CĐ xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở trường ĐH Văn Lang, trừ các ngành có môn thi năng khiếu, gồm: Kiến trúc, Thiết kế Công nghiệp, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Đồ họa), thì 13/18 ngành chỉ xét tuyển theo phương thức này. (Xem tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào các ngành của trường ĐH Văn Lang).
Chỉ kết quả thi THPT của những HS dự thi tại cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì mới được dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ (kết quả từ những cụm thi tỉnh do Sở GD&ĐT chủ trì chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT). Theo nhiều chuyên gia tư vấn, tại Tp.HCM, dự kiến sẽ chỉ có cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì.
Mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 phiếu chứng nhận kết quả thi THPT để xét tuyển ĐH-CĐ, trong đó có 1 nguyện vọng chính (phiếu chứng nhận kết quả dùng để xét tuyển đợt 1) và tối đa 3 nguyện vọng bổ sung (3 phiếu chứng nhận kết quả còn lại, được nộp xét tuyển đồng thời).
Với mỗi phiếu xét tuyển ĐH-CĐ, thí sinh được quyền đăng ký (theo thứ tự ưu tiên) vào tối đa 4 ngành của một trường ĐH-CĐ, theo những tổ hợp môn tương ứng mà trường ĐH-CĐ công bố.
Nhiều trường ĐH sẽ tổ chức thi riêng các môn năng khiếu, để xét tuyển vào các ngành đặc thù.
– Trường ĐH Văn Lang sẽ tổ chức thi các môn Vẽ trang trí, Vẽ hình họa, Vẽ mỹ thuật để xét tuyển vào các ngành Kiến trúc, Thiết kế Công nghiệp, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Đồ họa. Ngoài môn thi năng khiếu, điểm của các môn văn hóa (Toán, Văn, Lý) được tính dựa trên kết quả thi THPT quốc gia.
– Nếu không thi năng khiếu tại Văn Lang, thí sinh có thể dùng kết quả thi môn năng khiếu tương ứng từ 7 trường ĐH sau để xét tuyển vào Văn Lang, gồm: Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách Khoa Tp.HCM, Trường Nghệ thuật Huế – ĐH Huế, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp.
Rộng đường và đảm bảo công bằng cho thí sinh
Tích cực tiếp thu ý kiến của xã hội, Bộ GD&ĐT ban hành “Quy chế Thi trung học phổ thông quốc gia” và “Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy” với nhiều điều chỉnh so với Dự thảo. Theo đó, tổng thể các quy chế được đánh giá có lợi cho thí sinh, đảm bảo công bằng, và ộng đường xét tuyển hơn cho các bạn.
Học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Tp.HCM) quan tâm đến phương thức xét tuyển vào các ngành năng khiếu của trường ĐH Văn Lang (ảnh trái). Học sinh THPT Phú Nhuận tập trung nghe tư vấn, chương trình có trường ĐH Văn Lang tham gia ngày 18/01/2015) (ảnh phải).
– Thí sinh được chọn ngành và trường ĐH-CĐ để xét tuyển sau khi đã biết điểm thi của mình.
– Sau 1 nguyện vọng đầu tiên, nếu chưa trúng tuyển, thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển đồng thời từ 1 đến 3 nguyện vọng bổ sung (tương ứng với 3 phiếu chứng nhận kết quả thi còn lại).
– Thí sinh được rút hồ sơ sau khi biết kết quả không trúng tuyển, để nộp sang trường ĐH-CĐ khác (quy định trước đây chỉ cho phép thí sinh rút hồ sơ trong thời gian xét tuyển).
– Điểm thi tính trên thang điểm 10, không làm tròn điểm.
– Quy định điểm liệt khi thi tốt nghiệp THPT là 1 điểm (thay vì 2 điểm như trước đây).
– Những thủ tục rườm rà trong phương thức xét tuyển ĐH-CĐ như mã vạch cho từng đợt xét tuyển… cũng được cắt giảm.
Phải thận trọng, phải cân nhắc!
Trong khi các quy chế giảm thiểu nhiều thủ tục rườm rà cho thí sinh, đưa vào tay thí sinh nhiều quyền lựa chọn, thì mặt khác, cũng dễ làm thí sinh “đi lạc” so với định hướng.
Quy trình “chọn ngành phù hợp -> chọn trường phù hợp” bị đảo lộn trong phương thức xét tuyển tối đa 4 ngành/ 1 trường năm nay, khiến thí sinh có xu hướng chấp nhận chọn nhiều ngành của một trường ưng ý, mà quên rằng việc trung thành với ngành nghề thực sự quan trọng hơn. Đây là khúc quanh mà thí sinh và phụ huynh phải cân nhắc nhất trên những con đường rộng mở của tuyển sinh ĐH-CĐ 2015. Dù có tối đa 4 ưu tiên lựa chọn ngành nghề trong mỗi phiếu xét tuyển, thì thí sinh vẫn chỉ có 1 ngành nghề thực sự sẽ theo học, và lựa chọn ấy phải rõ ràng ngay từ đầu, để không phải “đi đâu loanh quanh” trong một vài trường ĐH rồi… “đỗ nhầm bến”!
Thí sinh cũng cần lưu ý, cứ sau mỗi đợt xét tuyển, rất nhiều cơ hội vào ĐH lần lượt khép lại, dù quyền lựa chọn và đi tiếp trên tay mỗi người vẫn còn nhiều. Trong các buổi TVTS gần đây, nhiều chuyên gia đã thận trọng khuyên học sinh cần xác định thật chính xác năng lực của bản thân và ngành học phù hợp, để đảm bảo trúng tuyển trong những lựa chọn xét tuyển đầu. Với điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển sau phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển trước, và chỉ tiêu tuyển sinh dần co hẹp lại, thì không nên chủ quan cho rằng còn 3 phiếu xét tuyển (với tối đa 4 lựa chọn/1 phiếu) là khả năng trúng tuyển còn thênh thang.
TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên – ĐH Quốc gia Tp.HCM, đại diện các chuyên gia tư vấn, khuyên học sinh nhận thức rõ những quyền lợi mà Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 dành cho mình, để tận dụng tốt cơ hội trong những nguyện vọng đầu tiên. (Chương trình Tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, sáng 03/3/2015)
Với những ngành học tuyển sinh môn thi năng khiếu, thí sinh càng phải lưu ý thông tin tuyển sinh được công bố từ các trường ĐH-CĐ. Nếu các trường ĐH tổ chức thi năng khiếu công bố thời điểm đăng ký dự thi và tổ chức thi khác nhau, thì thí sinh được quyền thi năng khiếu tại nhiều trường ĐH, và được dùng tất cả kết quả thi ấy làm chiếc vé vào ĐH của mình, hoặc chọn kết quả thi cao nhất để xét tuyển vào ngành/ trường mình mong muốn nhất. Trên lộ trình tuyển sinh 2015, đây là khúc đường có nhiều lối rẽ, và bạn được quyền tham khảo ngang dọc một chút trước khi trở về con đường chính mà mình đã xác định từ đầu. Nếu có thời gian và năng lực, hãy tận dụng cơ hội.
Các kênh thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Văn Lang: Trụ sở 45 Nguyễn Khắc Nhu, P. Cô Giang, Q.1, Tp. HCM. (08) 3836 9640 – 3836 4954 (Phòng Đào tạo), (08) 3837 4596 (Trung tâm Thông tin) tuyensinh@vanlanguni.edu.vn, tttt@vanlanguni.edu.vn, p.dt@vanlanguni.edu.vn Website www.vanlanguni.edu.vn, www.dhdlvanlang.edu.vn
Nguyễn Thị Mến