Ngày 24/12/2020, Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang tổ chức Seminar “Công nghệ sinh học ứng dụng, hiện trạng và xu hướng phát triển” trong khuôn khổ chương trình học môn Nhập môn Công nghệ Sinh học, giúp sinh viên có những buổi học thú vị và cập nhật kiến thức thực tế từ các doanh nghiệp.
Seminar có sự tham dự của 2 diễn giả nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ sinh học là Ông Lâm Trường Sơn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Sơn và TS. Hà Thị Bích Ngọc – Viện Pasteur Tp.HCM. Về phía Trường Đại học Văn Lang, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh – Trưởng khoa Công nghệ và TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, cùng các giảng viên và hơn 50 sinh viên của ngành đã tham gia.
Phát biểu tại chương trình, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh chia sẻ: “Thực phẩm và y dược là một trong những ứng dụng quan trọng của ngành Công nghệ Sinh học. Hôm nay, với sự có mặt của 2 diễn giả là những chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm học tập, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tế tại doanh nghiệp, cơ quan làm việc, cô mong rằng các em sẽ có buổi học bổ ích, nắm bắt xu hướng phát triển và cơ hội nghề nghiệp của hai định hướng này; từ đó, xác định được lĩnh vực mà mình mong muốn phát triển trong tương lai”.
Ông Lâm Trường Sơn đã có nhiều năm học tập, nghiên cứu tại nước ngoài trước khi về Việt Nam thành lập doanh nghiệp sản xuất và bảo quản thực phẩm. Ông Lâm Trường Sơn nhấn mạnh sự quan trọng của Công nghệ sinh học gồm 3 nhánh y học, nuôi trồng và chế biến. Tại buổi seminar học thuật “Công nghệ sinh học ứng dụng, hiện trạng và xu hướng phát triển”, ông Lâm Trường Sơn chia sẻ với sinh viên ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang những trải nghiệm thực tế của bản thân và truyền cảm hứng về học tập, nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Đến với buổi trao đổi học thuật, TS. Hà Thị Bích Ngọc – Viện Pasteur Tp.HCM đã chia sẻ về ứng dụng của công nghệ sinh trong y dược, giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều hơn về ứng dụng của công nghệ sinh học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Qua đây, sinh viên hiểu hơn tầm quan trọng của Công nghệ Sinh học trong thời đại Covid-19, cơ hội và thách thức cho những người yêu thích công việc nghiên cứu vắc-xin, xét nghiệm chẩn đoán và các liệu pháp dược phẩm. Nhờ những kiến thức chuyên ngành và chia sẻ về các quy trình làm việc thực tế tại Viện Pasteur, phần trình bày của TS. Hà Thị Bích Ngọc thu hút sự theo dõi của các bạn sinh viên.
“HÃY NGHĨ THẬT XA VÀ BƯỚC THẬT GẦN”
Qua chia sẻ gần gũi và những thông tin hữu ích từ hai diễn giả, sinh viên Văn Lang đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các chủ đề về hướng phát triển của ngành Công nghệ Sinh học trong tương lai. Các bạn sinh viên dù năm nhất nhưng đã không ngần ngại chia sẻ về ước mơ mang nông sản Việt Nam ra thế giới nhờ ứng dụng Công nghệ Sinh học, cũng như những khó khăn khi chọn con đường Start-up nông sản Việt Nam,…
Lắng nghe những ước mơ và hoài bão lớn của các bạn sinh viên, ông Lâm Trường Sơn nói: “Hãy nghĩ thật xa và bước thật gần, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, học thật tốt những kiến thức tại trường học và rèn luyện nhiều kỹ năng mềm để phát triển bản thân, đó sẽ là nền tảng vững chắc để sau 4 năm đại học, các bạn đủ tự tin thực hiện những ước mơ của chính mình”.
Những năm gần đây, ngành Công nghệ Sinh học là ngành học hấp dẫn, được nhiều học sinh lựa chọn và có tiềm năng phát triển lớn. Tại Văn Lang, nhóm ngành Công nghệ Sinh học gồm 3 ngành đào tạo: Công nghệ Sinh học, Công nghệ Sinh học Y dược, Quản trị Công nghệ Sinh học. Sinh viên luôn được Nhà trường tạo điều kiện tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các cuộc thi ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội để sinh viên tiếp cận với nền sinh học hiện đại, mang lại nhiều giá trị ứng dụng thực tế cho xã hội.
Chi Nhân