Trước tình hình cấp thiết về quản lý ô nhiễm nhựa, vi nhựa trên thế giới ngày nay, ngày 02/06/2021, Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang kết hợp cùng Trường Đại học Thammasat, Viện Công nghệ Sirindhorn – Thái Lan và Asia-Pacific Network (APN) đồng tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến chủ đề “Vi nhựa”, với sự tham dự của 296 nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đến từ các nước trên thế giới.
Gần đây, sự phong phú và tác động của các mảnh nhựa nhỏ, cụ thể là vi nhựa, đang trở thành mối quan tâm chính trên thế giới về môi trường. Các nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra nhiều tác hại của vi nhựa đối với sinh vật khi ăn phải, trong đó, vi nhựa có thể tác động như vật trung gian chuyển các hóa chất gây rối loạn nội tiết và các chất ô nhiễm khác từ môi trường sang sinh vật.
Hội thảo khoa học quốc tế về Vi nhựa ngày 02/6/2021 được dẫn dắt bởi 3 diễn giả chính: TS. Mushtaq Ahmed Memon – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường Quốc tế IETC; TS. Novrizal Tahar – Giám đốc Quản lý Chất thải rắn tại Bộ môi trường và rừng (Indonesia) và TS. Nguyễn Trung Việt – nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM; nguyên Trưởng Khoa Công nghệ Kỹ thuật Môi trường – Trường Đại học Văn Lang.
Hầu hết các nghiên cứu về vi nhựa hiện nay tập trung ở các nước phát triển như Châu Âu, Bắc Mỹ và khu vực Đông Á. Có thể nói, đề tài này được thực hiện nghiên cứu tại khu vực Đông Nam Á trong khi đây lại chính là khu vực đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc quản lý chất thải nhựa. Trong top 10 quốc gia có rác thải nhựa được quản lý sai cách, có đến 5 quốc gia thuộc ASEAN và Việt Nam được ước tính và đánh giá là quốc gia có rác thải nhựa đổ vào đại dương đứng thứ 5 trên toàn thế giới (https://vietnam.panda.org/en/our_work/oceans/plastics/). Do đó, việc thấu hiểu hiện trạng ô nhiễm nhựa/ vi nhựa trong môi trường và sự hấp thụ của các sinh vật đã trở thành vấn đề hết sức quan trọng.
Dự án đánh giá khối lượng vi nhựa trên các dòng sông chính ở khu vực Đông Nam Á đã được thực hiện ở 3 quốc gia: Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết sơ bộ kết quả của các hoạt động nghiên cứu tại các vùng được chọn, thu hút 296 người tham gia là các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đến từ các quốc gia như: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan, Mỹ và một số quốc gia Châu Âu. Hội thảo diễn ra với 17 tham luận xoay quanh các vấn đề về hiện trạng phát sinh – quản lý rác thải nhựa, mức độ ô nhiễm vi nhựa trên các đoạn sông chính ở các thành phố lớn và khả năng xử lý vi nhựa trong nước thải tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Đại diện Việt Nam đến từ Khoa Công nghệ – Trường Đại học Văn Lang, TS. Nguyễn Thị Phương Loan đã trình bày các kết quả nghiên cứu trong xác định khối lượng vi nhựa trên sông Sài Gòn những năm vừa qua thông qua khảo sát, phân tích và đánh giá. Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Phương Loan chỉ ra khối lượng vi nhựa trên sông Sài Gòn ở mùa khô là khoảng 93 mảnh vi nhựa/m3 nước và vào mùa mưa là 154 mảnh vi nhựa/m3 nước với thành phần chính là nhựa PP (Polypropylene) và PE (Polyethylene). Sông Sài Gòn là đoạn sông chính cung cấp nước đầu vào cho nhà máy xử lý nước cấp Tân Hiệp (nhà máy chịu trách nhiệm cấp nước cho khu vực phía Tây ở Tp.HCM). Tuy nhiên, hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra công nghệ xử lý nước cấp hiện tại có thể đảm bảo chất lượng nước cấp không nhiễm vi nhựa sau quá trình xử lý. Vì vậy, vấn đề quản lý rác thải nhựa cũng như quản lý nguồn nước là chìa khóa để giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, hội thảo đã cung cấp cho người tham dự những thông tin về khả năng xử lý vi nhựa của các hệ thống xử lý nước thải ở Tp.HCM, Thủ Dầu Một và Đà Lạt do nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Tp.HCM thực hiện. Kết quả cho thấy rằng các công nghệ truyền thống hiện đang được sử dụng bao gồm lắng, xử lý sinh học bằng công nghệ bùn hoạt tính hiếu khí hay dạng mẻ có hiệu quả loại bỏ vi nhựa lên đến 80%.
Nằm trong phạm vi nghiên cứu của dự án, các đối tác Thái Lan và Indonesia cũng đã trình bày các kết quả nghiên cứu, thể hiện các con số về khối lượng vi nhựa tìm thấy được trên sông ở các thành phố lớn. Từ kết quả trên, vấn đề các chuyên gia đắn đo chính là vi nhựa là sản phẩm của câu chuyện quản lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng không tốt, trải qua các tác động của tự nhiên và con người mà phân rã và trở thành các mảnh nhựa rất nhỏ, đi vào nguồn nước, gây tác động đến hệ sinh thái dưới nước nghiêm trọng cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, giải pháp nào là tối ưu nhằm giảm thiểu khối lượng vi nhựa? Các ý kiến chính của chuyên gia tại Hội thảo xoay quanh vấn đề thu gom, xử lý, tái chế rác thải nhựa và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang đã thực hiện dự án này từ năm 2017 đến nay, minh chứng cho sự năng động trong nghiên cứu và cập nhật xu hướng của thế giới trong việc xác định các loại ô nhiễm mới trong môi trường hiện nay. Ngay cả sinh viên ngành Môi trường của Đại học Văn Lang cũng đã và đang được tham gia đề tài quốc tế này, có cơ hội sang các nước để cùng nhau trao đổi, học tập và thực hành các kỹ thuật phân tích vi nhựa. Đây là một trong những phương pháp đào tạo mà Khoa Công nghệ định hướng để tạo ra giá trị cho sinh viên: “Học tập thông qua trải nghiệm”.
TS. Huỳnh Tấn Lợi
Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang