Kiến trúc – Trọng số giữa Tốt và Đẹp

(TT. Thông tin – Văn Lang, 30/10/2015) – Ngày 24/10/2015, KTS. Sanuki Daisuke đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng sinh viên khoa Kiến trúc – Xây dựng, Trường ĐH Văn Lang về vấn đề “Làm kiến trúc ở Việt Nam”.

Khi nói đến sự phát triển của nhân loại, người ta nhấn mạnh đến việc học tập từ kinh nghiệm của người đi trước. Cuộc trò chuyện với KTS. Sanuki Daisuke cũng theo cách thức học tập ấy. Điều quan trọng mà KTS. Sanuki Daisuke chia sẻ với các bạn SV chính là kinh nghiệm về những việc làm khả thi và không khả thi trong thực tế nghề nghiệp qua mấy chục năm làm nghề và trong khoảng thời gian hơn 6 năm sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Một kiến trúc sư người Nhật nói về việc làm kiến trúc ở Việt Nam – liệu góc nhìn từ “người ngoài” có hiệu quả? Có lẽ, bản thể được thấu hiểu nhất từ bên trong nhưng được mô tả chân thực nhất lại từ bên ngoài. Và hơn nữa, khi thị trường chung Đông Nam Á được kết nối vào cuối năm nay, SV Kiến trúc của Văn Lang cần nghĩ đến tương lai gần: trên con đường nghề nghiệp, sẽ đến lúc các bạn phải tự mình tìm hiểu cách làm kiến trúc ở những nước khác, ngoài Việt Nam, như Sanuki Daisuke đang làm.

Chuẩn bị gì để thành công?

Hiện tại, KTS. Sanuki Daisuke đang sở hữu một công ty kiến trúc của riêng mình tại Việt Nam. Những thiết kế của Sanuki Daisuke cho các công trình dân dụng ở Việt Nam (như: Binh Thanh House, Stacking Green, Anh House, Binh Duong School, Gia Lai house,…) từng được các tạp chí kiến trúc uy tín trên thế giới (như Dezeen, ArchDaily) bình chọn là công trình kiến trúc tiêu biểu. Những công trình này thực sự ấn tượng, mang đậm bản sắc Việt. Tuy nhiên, sự thành công hôm nay của Sanuki Daisuke không hề dễ dàng. 

Năm 2003, Sanuki Daisuke đến Việt Nam khi tham gia một dự án của ĐH Tokyo hợp tác với Trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Ông bắt đầu những trăn trở về vùng đất này. Năm 2009, ông bỏ dở việc học nghiên cứu sinh ở Nhật, nhận lời KTS. Võ Trọng Nghĩa, quay trở lại Việt Nam làm việc. Đây là thời kỳ thị trường nhà đất đóng băng. Nhưng Sanuki Daisuke cùng các cộng sự của mình vẫn trụ vững. Là người Nhật, làm kiến trúc ở Việt Nam, Sanuki Daisuke cảm nhận rõ khoảng cách ngôn ngữ, văn hóa giữa hai đất nước. “Cảm giác rất khác nhau về cách thức làm việc ở Việt Nam và ở Nhật; tôi bị áp lực rất nhiều. Ở Nhật, mọi thứ được hoạch định rõ ràng; ở Việt Nam, kiểm soát lịch làm việc khá chật vật. Tôi cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình làm việc với cơ quan quản lý Nhà nước, với khách hàng khi tiến hành các thủ tục xây dựng.” Sanuki Daisuke đã chấp nhận những khó khăn đó, như những hòn đá tất yếu phải có trên con đường mình đã chọn. Dường như cơ hội đến từ thách thức; bởi nhận thức rõ khó khăn, sẵn sàng tâm lý đón đợi và thích nghi là một trong những yếu tố quan trọng để thành công.

DH van lan kien truc trong so giữa tot dep 01Những dấu ấn của KTS. Sanuki Daisuke trong nền kiến trúc đương đại Việt Nam đến từ chính việc chấp nhận thách thức và nghiên cứu tìm tòi.
(ảnh: từ trái qua, từ trên xuống: Binh Duong School, Stacking Green, Anh House, Gia Lai House)

Nếu ở Nhật Bản, số thiết kế của Sanuki Daisuke được xây dựng hoàn thiện trên thực tế lên đến 70 – 80% thì ở Việt Nam, tỷ lệ ấy thấp hơn 10 lần vì sự bất ổn vốn đầu tư của thị trường. Tuy nhiên, ông nhìn nhận khó khăn đó như là khởi đầu của cơ hội bởi nó chứng tỏ Việt Nam đang phát triển, nhu cầu đang mở ra và còn nhiều việc để kiến trúc sư làm, thỏa sức sáng tạo ý tưởng. Nếu mọi thứ đã được phát triển và hoàn thiện như Nhật Bản, thì đó không hẳn là cơ hội. Tinh thần lạc quan của Sanuki Daisuke chỉ vững vàng khi ông đủ nghiêm túc trong công việc. Những nghiên cứu, ứng dụng, kết hợp sáng tạo giữa văn hóa, thực trạng công trình dân dụng Việt Nam với xu hướng thiết kế hiện đại trong các công trình của ông đã chứng minh điều đó. Sanuki Daisuke hiểu về kiểu nhà ống phổ biến ở đô thị Việt Nam; biết hạn chế về mảng xanh – ánh sáng trong không gian hẹp ngang, dài sâu; ý thức về đặc điểm khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều; nhận ra thói quen dùng tường gạch để phân tách các phòng; tìm thấy vẻ đẹp trong chất liệu xây dựng dân gian thô mộc. Thành công đến từ sự thông hiểu đối tượng mà mình hướng tới qua việc tìm tòi, nghiên cứu cẩn trọng – đó là thành công vững vàng.

Đi tìm triết lý thiết kế

Hơn 200 SV Văn Lang và các trường bạn đã tham gia talkshow. Con số này lớn hơn so với mong đợi của những người tổ chức dành cho một hoạt động học thuật cấp khoa. Sức hút đó có lẽ đến từ tên tuổi của Sanuki Daisuke – kiến trúc sư từng có nhiều thiết kế đạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khi trò chuyện cùng Sanuki Daisuke, chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng, hình thức bên ngoài của những giải thưởng là những tấm ảnh giới thiệu trên tạp chí chuyên ngành đẹp lung linh nhưng điều quan trọng hơn đối với kiến trúc sư thực thụ là thuyết phục mình và mọi người về giá trị trong đời sống của những công trình đó.

DH van lan kien truc trong so giữa tot dep 02KTS. Sanuki Daisuke hiện vừa điều hành công ty tại Việt Nam, vừa tham gia giảng dạy tại ĐH Tokyo, Nhật Bản. Ông chia sẻ những câu chuyện về việc thực hành nghề nghiệp, việc học cùng SV Văn Lang với cả hai vai trò trên.

Theo nhận định của KTS. Sanuki Daisuke, hiện nay, một số kiến trúc sư Việt Nam đang chạy theo xu hướng biểu diễn. Vì thế, khi thiết kế thành hình trên thực tế, qua thời gian ngắn, giá trị sử dụng bị hạn chế. Sanuki Daisuke lựa chọn sự cân bằng giữa kiến trúc đẹp và kiến trúc tốt làm triết lý thiết kế của mình. Lĩnh vực thiết kế mà Sanuki Daisuke thực hiện nhiều nhất là công trình dân dụng. Điều này cho thấy ông thực sự mong muốn giá trị công việc của bản thân góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ cộng đồng. Bản vẽ, phối cảnh trong thiết kế của Sanuki Daisuke cũng cho thấy sự chú ý đến cả hai yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Mọi sắp xếp không gian đều có sự cân nhắc để vừa đẹp vừa dễ sử dụng.

Sức sống của kiến trúc được khẳng định bởi sự ảnh hưởng tích cực của nó đến đời sống sinh hoạt của người dân qua thời gian. Chẳng có ý nghĩa gì khi công trình kiến trúc ghì mình trên bìa tạp chí mà không bật dậy, sống động trong đời thực. Sanuki Daisuke đã lựa chọn cho mình một triết lý và hành nghề theo định hướng ấy. Những ngôi nhà do ông thiết kế, người dân đã ở trong đó, cảm nhận sự đẹp đẽ, thoải mái của nó. Hẳn đó là điều mà SV Kiến trúc Văn Lang mong muốn hướng đến.

.
Tô Văn Thi, Minh An
Ảnh: Nhi Vũ, Huỳnh Mai

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan