(TT. Thông tin – Văn Lang, 20/8/2013) – Ngành học hôm nay sẽ là nghề nghiệp tương lai của các bạn. Vì vậy, sự lựa chọn bây giờ sẽ có ý nghĩa đến cả cuộc đời sau này của bạn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về công việc hiện tại của một nữ kỹ sư Nhiệt – Lạnh để hiểu hơn về ngành nghề này, và để khẳng định một điều: Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh chính là sự lựa chọn nhiều lối mở rộng rãi và đa dạng của nghề
Chúng tôi đã từng ngạc nhiên khi trong lớp Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh khóa 14 (2008- 2013) của trường ĐH Văn Lang có một bạn nữ theo học. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi ngày tốt nghiệp, bạn đại diện cho tân khoa phát biểu – kết quả học tập của bạn khá tốt, dù không phải là thủ khoa. Và hôm nay, liên lạc lại sau 5 tháng bạn ra trường, chúng tôi vui mừng được biết bạn đã có một công việc đúng chuyên ngành, ổn định và định hướng phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Đó là Trần Thị Phượng – cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh, trường ĐH Văn Lang. Bạn đã giúp chúng tôi khẳng định niềm tin: ngành Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh không chỉ dành riêng cho nam; đam mê ngành nghề sẽ thúc đẩy bạn tiến xa trên con đường mình đã chọn và quan trọng hơn, chọn cho mình một đường đi không theo sự lựa chọn thông thường đôi khi là tạo cho mình một cơ hội thuận lợi để phát triển, ít cạnh tranh.

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh, trường ĐH Văn Lang, tháng 03/2013. Công việc hiện tại: Họa viên, Công ty Aurecon Vietnam.
Hướng phấn đấu trong công việc: Trở thành kỹ sư ME (Mechanical – Electrical) giỏi trong tương lai gần và tạo dựng sự nghiệp riêng sau 10 năm nữa.
Phượng có thể miêu tả vài nét về công việc của một kỹ sư Nhiệt – Lạnh như bạn để mọi người có một cái nhìn sáng rõ hơn được không?
Sinh viên ngành Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh có thể làm việc ở hai mảng: Nhiệt Nóng và Nhiệt Lạnh. Nếu làm trong lĩnh vực Nhiệt Nóng, các bạn sẽ chuyên về mảng lò hơi hay sấy; nơi làm việc là các nhà máy nhiệt điện, dầu khí, sản xuất vải, sản xuất thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng… Nếu làm trong lĩnh vực Nhiệt Lạnh, các bạn có hai lựa chọn là Lạnh Công nghiệp (chuyên về hệ thống kho lạnh, cấp đông) và Lạnh Dân dụng (chuyên về hệ thống điều hòa không khí của các tòa nhà, biệt thự cao cấp).
Phượng chọn lĩnh vực làm việc là Lạnh Dân dụng. Công việc chi tiết của Phượng là: Nhận bản vẽ kiến trúc công trình; Tính tải lạnh ở từng khu vực công trình theo bản vẽ, đảm bảo tiết kiệm năng lượng; Chọn phương án thiết kế (VRV, Chiller, Split) tùy theo công năng của công trình và tư vấn phương án thiết kế cho chủ đầu tư; Tính toán thông gió tầng hầm, tạo áp cầu thang, hút khói; Tính toán thiết kế hệ thống lạnh (ống gió, ống nước, ống gas); Chọn thiết bị phù hợp; Triển khai bản vẽ sơ đồ nguyên lý hệ thống và lắp đặt thiết bị; Tinh toán cung cấp điện cho hệ thống thông gió và điều hòa không khí (Heating ventilation and air conditioning – HVAC); Tính toán hệ thống điều khiển và quản lý tòa nhà (BMS); Bốc khối lượng hệ thống…
Phượng có thể chia sẻ về một dự án mà bạn đã tham gia?
Hiện tại, Phượng đang tham gia công trình Sokha Hotel PhnomPenh, Campuchia. Công việc của mình trong dự án này là: dựng bản vẽ kiến trúc 3D, trình bày phương án với chủ đầu tư. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tính chăm chỉ. Bình thường, để hoàn thành bản thiết kế này, mình cần thời gian là một tháng rưỡi. Tuy nhiên, yêu cầu công việc khá gấp rút, và mình phải hoàn thành bản thiết kế trong hai tuần. Dù không có lương ngoài giờ, mình vẫn cố gắng tăng ca ở nhà. Điều quan trọng minh nhận được sau tất cả những cố gắng đó là mình tìm hiểu được nhiều hơn về chuyên môn, tăng sức chịu áp lực công việc của bản thân và nhận được sự tín nhiệm của cấp trên.
Bạn đã sử dụng được gì từ những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong bốn năm rưỡi tại Văn Lang để áp dụng vào công việc?
Chương trình đào tạo kỹ sư Nhiệt – Lạnh ở Văn Lang cực nặng; có tính thực hành, ứng dụng cao. Đặc biệt, trong quá trình học, môn học nào sinh viên cũng phải thực hiện đồ án, học luôn đi đôi với hành, nhờ đó, sinh viên có thể nắm vững, hiểu rõ kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. Mỗi một môn học đều có đất để dùng trong thực tế công việc. Với những gì đã được dạy, sinh viên có thể thực hiện hầu hết các công việc về hệ thống ME trong một công trình như: cấp thoát nước, điều hòa không khí, cứu hỏa, điện, hệ thống điều khiển và quản lý hệ thống cơ điện… Chương trình đã dạy hầu hết những gì thực tế cần, nhà tuyển dụng cần, xã hội cần ở một kỹ sư Nhiệt – Lạnh có kinh nghiệm.
Ngoài ra, trong chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh trường ĐH Văn Lang, sinh viên được trang bị những phần mềm chuyên ngành hỗ trợ đắc lực cho việc thiết kế, mô phỏng và quản lý. Không phải trường nào cũng dành sự ưu ái này cho sinh viên Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh. Với nhiều trường không đào tạo các phần mềm này trong chương trình (tổng cộng 14 phần mềm), sinh viên phải bỏ ra không dưới 30.000.000 đồng để học ở các trung tâm đồ họa ở ngoài. Đây cũng là đặc trưng tạo nên sức mạnh cạnh tranh của sinh viên Văn Lang.
Sau 5 tháng làm việc, Phượng đã có bước chuyển thế nào so với ngày tốt nghiệp?
Suốt 5 tháng làm việc, mình chưa bao giờ bị khiển trách. Cấp trên khá hài lòng với hiệu quả làm việc của mình, đặc biệt là với những bản vẽ 3D của mình. Vì vậy, hiện nay, lương của mình có cao hơn so với một số kỹ sư trong công ty có thâm niên nhiều hơn mình. Khi mới vào công ty ở vị trí thực tập, lương của mình là 4.500.000 đồng/tháng (làm việc 4 ngày/tuần); hiện nay lương của mình là 7.000.000 đồng/tháng (làm việc 5 ngày/tuần).
Phượng có hài lòng với môi trường làm việc hiện tại không? Môi trường đó giúp ích gì cho việc phát triển nghề nghiệp của bạn?

Theo Phượng, làm sao để trở thành một kỹ sư Nhiệt – Lạnh giỏi?
Muốn trở thành một kỹ sư Nhiệt – Lạnh giỏi, trước tiên, bạn phải học bằng sự đam mê để nắm vững kiến thức chuyên ngành, thành thạo phần mềm ứng dụng, Tiếng Anh tốt. Sau đó, khi gia nhập vào môi trường làm việc, bạn phải không ngừng trau dồi, học hỏi kinh nghiệm và xây dựng được sự tín nhiệm của cấp trên, đồng nghiệp. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phát triển sự nghiệp của riêng mình. Vì vậy, bạn phải từng bước xây dựng các mối quan hệ trong công việc, hỏi và hỏi không ngừng từ những người giỏi và quan tâm đến việc bổ sung kiến thức về quản lý, kinh tế bên cạnh chuyên môn về Nhiệt – Lạnh.

“…Chương trình đào tạo sát với thực tế; trong quá trình học, mình được thực tập ở các công ty chuyên ngành. Nhờ vậy, khi bắt đầu công việc, mình đã tích lũy được một số kinh nghiệm, không bị bỡ ngỡ. Ở vị trí ME, công việc cụ thể của tụi mình là thiết kế hệ thống chiếu sáng, điện nhẹ, tải lạnh, bố trí thiết bị; thiết kế hệ thống cấp thoát nước, chữa cháy dựa trên bản vẽ kiến trúc của công trình. Hiện tại, mức lương của cả hai là 7.000.000 đồng/tháng.”

(Từ trái sang: Đặng Hồng Vũ, Trần Trọng Trí, Phan Mạnh Tú, Huỳnh Bình Nguyên)
Hiện nay, cả ba đang cùng tham gia dự án nhà ga quốc tế T2 Nội Bài. Công việc cụ thể là triển khai từ bản vẽ thiết kế sang thi công: kiểm tra các thông số kỹ thuật của thiết bị; đưa ra phương án xử lý giữa các hệ ME; nghiệm thu quy trình lắp đặt, thi công; vận hành hệ thống dựa trên các thông số kỹ thuật, đảm bảo công năng sử dụng của toàn hệ thống; bảo trì hệ thống định kỳ. Chế độ làm việc tại R.E.E khá tốt, giờ giấc làm việc ổn định; chế độ thưởng và làm việc ngoài giờ tốt. Mức lương khởi điểm của tụi mình là 5.000.000 đồng/tháng; sau 5 tháng làm việc, lương hiện tại là 10.500.000 đồng/tháng.
“…Tên ngành Kỹ thuật Nhiệt khiến chúng ta phân vân vì chúng ta không hiểu hết về nó. Học ngành này sau khi ra trường sẽ làm gì? Sau bốn năm rưỡi theo học, mình cảm thấy đây là ngành nghề thú vị vì nó áp dụng đa dạng cho các lĩnh vực kỹ thuật cao. Các công trình, nhà máy, bệnh viện, cao ốc, khách sạn,… vẫn không ngừng được xây dựng, mở rộng theo nhu cầu xã hội. Vì vậy, nhu cầu về kỹ sư Nhiệt – Lạnh luôn cao. Được đào tạo một cách bài bản, khoa học, giàu tính thực tế là yếu tố quan trọng giúp mình và bạn bè tự tin lập nghiệp...”
Hiện nay, thí sinh vẫn chưa quan tâm nhiều đến ngành Kỹ thuật Nhiệt – Lạnh vì các bạn luôn có suy nghĩ rằng đây là một ngành cực nhọc, vì các bạn chưa nhìn thấy hết nhu cầu của thị trường nhân lực đối với ngành nghề này.

Minh An (tổng hợp)