Lần đầu tiên Khoa Răng – Hàm – Mặt phối hợp với MESI tổ chức Hội thảo “Chẩn đoán và xử trí ngộ độc thuốc tê”

Chiều ngày 20/12, tại Hội trường N2T1 – Cơ sở 3, lần đầu tiên Khoa Răng – Hàm – Mặt Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Trung tâm Giải pháp Y khoa MESI tổ chức Hội thảo “Chẩn đoán và xử trí ngộ độc thuốc tê” dưới sự dẫn dắt của ThS. BS Nguyễn Anh Tuấn, Bác sĩ chuyên về điều trị Đau, Trung tâm Đau, khoa Gây mê Hồi sức, Hệ thống BV Quốc tế Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn.

Hiện nay việc sử dụng thuốc tê trong Y khoa khá phổ biến, nhưng khả năng ngộ độc vẫn xảy ra, nhất là khi người gây tê không thuộc chuyên ngành gây mê hồi sức. Bên cạnh đó, nhiều người có khuynh hướng coi tất cả những biến cố xảy ra liên quan đến thuốc tê là do sốc phản vệ. Chính sự ngộ nhận này đã dẫn đến cách xử trí nhầm lẫn và hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân. Với mong muốn giúp tất cả nhân viên y tế sử dụng thuốc tê trong công việc hằng ngày, hiểu đúng, hiểu đủ về những kiến thức liên quan đến thuốc tê cũng như cách xử trí, phòng tránh ngộ độc thuốc, lần đầu tiên Khoa Răng – Hàm – Mặt Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Trung tâm Giải pháp Y khoa MESI tổ chức Hội thảo “Chẩn đoán và xử trí ngộ độc thuốc tê”, với sự dẫn dắt của ThS. BS. Nguyễn Anh Tuấn, Bác sĩ chuyên về điều trị Đau, Trung tâm Đau, khoa Gây mê Hồi sức, Hệ thống Bệnh viện Quốc tế Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn.

Tham dự chương trình, người tham dự được cập nhật kiến thức gây tê và cách sử dụng thuốc tê an toàn, phân biệt ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ, nắm vững phác đồ xử trí ngộ độc thuốc tê, cùng những nội dung quan trọng khác về ngộ độc thuốc tê.

Hội thảo thu hút gần 400 hội thảo viên tham dự là các giáo viên, bác sĩ, sinh viên đến từ các trường Đại học, Cơ sở y tế tư nhân, y tế công trong cả nước.

Tại chương trình, TS. BS. Trần Ngọc Quảng Phi, Trưởng Khoa Răng – Hàm – Mặt, Trường Đại học Văn Lang cho biết: “Ngành Răng – Hàm – Mặt là ngành sử dụng thuốc tê rất nhiều, thế nhưng những biến chứng liên quan vẫn chưa được rõ ràng, hầu hết những tai biến nguy hiểm đều được quy là sốc phản hệ. Tuy nhiên, tỷ lệ sốc phản vệ rất thấp so với ngộ độc thuốc tê và hai vấn đề này có hai cách xử trí hoàn toàn khác nhau. Tôi hy vọng qua phần báo cáo của ThS. BS. Nguyễn Anh Tuấn, mọi người sẽ hiểu rõ hơn cũng như có những bài học bổ ích cho công việc, lĩnh vực của mình”.

TS. BS. Trần Ngọc Quảng Phi, Trưởng Khoa Răng – Hàm – Mặt Trường Đại học Văn Lang phát biểu khai mạc Hội thảo

Cũng theo TS. BS. Trần Ngọc Quảng Phi: tại Việt Nam, năm 2016, Bộ Y tế mới có hướng dẫn về việc sử dụng cấp cứu và yêu cầu tất cả phòng khám phải có dung dịch lipid 20% để sử dụng trong cấp cứu nha khoa, đặc biệt là ngộ độc thuốc tê. Trong các trường đại học cũng có những chương trình dạy về ngộ độc thuốc tê, nhưng đối với các ngành lâm sàng thì đây là vấn đề còn mới mẻ cần cập nhật.

Tại Hội thảo “Chẩn đoán và xử trí ngộ độc thuốc tê”, ThS. BS. Nguyễn Anh Tuấn đã trình bày 6 nội dung xoay quanh vấn đề này, bao gồm:

  • Ca lâm sàng
  • Giới thiệu các thuốc tê và phương pháp gây tê
  • Các biến chứng có thể gặp khi gây tê
  • Phác đồ Điều trị Ngộ độc Thuốc tê ASRA 2018
  • Vai trò của Nhũ dịch Lipid 20% trong xử lý ngộ độc thuốc tê.

Sau phần báo cáo, rất nhiều Hội thảo viên đã gửi thắc mắc liên quan đến xử trí ngộ độc thuốc tê đến ThS. BS. Nguyễn Anh Tuấn để hiểu thêm về vấn đề này, như: Trường hợp Ngộ độc thuốc tê xảy ra muộn một vài giờ hay một vài ngày thì lipid 20% có tác dụng không, nếu không được thì xử trí như thế nào; nếu không tìm được van tĩnh mạch để tiêm, có thể tiêm bắp được không; bệnh nhân bị xơ gan khi truyền lipid có ảnh hưởng gì không?,…

ThS. BS. Nguyễn Anh Tuấn mang đến nhiều kiến thức bổ ích về ngộ độc thuốc tê tại Hội thảo

Với mong muốn đưa Trường Đại học Văn Lang trở thành một điểm đến giao lưu trao đổi học thuật, kinh nghiệm chuyên môn, chuyên nghiệp, hữu ích, sau Hội thảo “Chẩn đoán và xử trí ngộ độc thuốc tê”, Khoa Răng – Hàm – Mặt dự định tổ chức các chương trình liên quan đến lĩnh vực giảng dạy một cách thường xuyên, qua đó cũng tạo cơ hội cho sinh viên và giảng viên tiếp cận và cập nhật nhiều kiến thức mới, bổ trợ cho hoạt động dạy và học tại Trường.

Hội thảo kết thúc với nhiều cập nhật kiến thức mới mẻ, bổ ích cho gần 400 hội thảo viên, đánh dấu sự mở đầu tốt đẹp cho cho chuỗi hoạt động chuyên môn của Khoa Răng – Hàm – Mặt Trường Đại học Văn Lang

Sinh viên Khoa Răng – Hàm – Mặt góp phần vào sự thành công của Hội thảo “Chuẩn đoán và xử trí ngộ độc thuốc tê”


ThS. BS. Nguyễn Anh Tuấn, từng công tác tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, là một trong những người đi đầu về ứng dụng Lipid 20% trong cấp cứu ngộ độc thuốc tê tại Việt Nam. Năm 2015, ThS. BS. Nguyễn Anh Tuấn từng hướng dẫn cấp cứu một ca ngộ độc thuốc tê qua mạng xã hội giúp bệnh nhân hồi tỉnh trong gang tấc, sự việc này đã trở thành một hiện tượng gây xôn xao giới chuyên môn, tạo nên một làn sóng chia sẻ rất lớn, nhưng phải đến lúc đó ThS. BS. Nguyễn Anh Tuấn mới nói về ngộ độc thuốc tê và Lipid 20%. Ngoài ra ông còn được biết đến với chiến dịch “Để quên con tim, Đừng quên Lipid”.

Bài & ảnh: Thanh Tiền

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan