(TT. Thông tin – Văn Lang, 17/01/2015) – Vào học kỳ 3, sinh viên ngành Quan hệ Công chúng Trường ĐH Văn Lang học chuyên đề “Các thể loại báo chí”. Đối với nhiều SV, thành quả của môn học này là những tác phẩm báo chí đầu tay – cuộc chạm ngõ giúp SV cảm nhận thực tế nghề nghiệp.
TT. Thông tin giới thiệu một số phóng sự mà SV Quan hệ Công chúng (PR) đã thực hiện trong học kỳ vừa qua. Phóng sự sau đây của Nguyễn Đình Thức, sinh viên ngành Quan hệ Công chúng.
Mùa hè 2014, tôi đặt chân đến một thành phố lạ mà người ta nói là “nắng như Phan, gió như Rang”. Nghe là biết thời tiết ở đây khắc nghiệt như thế nào. Nhưng có một sự lạ: dù nắng chói chang oi bức thế, song hình như bà mẹ thiên nhiên muốn bù đắp cho Phan Rang những tặng phẩm khác để thiên nhiên nơi đây có sức hấp dẫn riêng.
Biển và núi

Núi Chúa, bây giờ là trung tâm của Vườn quốc gia Phan Rang. Tên gọi của những ngọn núi ở đây có vẻ giản đơn: núi Chúa Anh ở giữa và 3 núi Chúa Em xung quanh. Đỉnh cao nhất Chúa Anh cách mặt biển 1.039,72 m. Nhiệt độ nơi đây thường thấp hơn nhiệt độ ở bãi biển khoảng trên dưới 20 độ.
Chúng tôi trèo lên núi theo những con đường mòn. Tại đây, thật ngạc nhiên là giữa nơi nóng nực nhất Việt Nam lại có nhiều dạng cây rừng. Dưới thấp là cây rừng nhiệt đới chịu khô hạn. Lên cao thì có rừng lá kim với các loại cây kim giao, hoàng đàn, thanh tùng, thông tre…, và rất nhiều lan rừng.
Ngày lên rừng, xế chiều chúng tôi xuống biển. Biển cũng là quà tặng của bà mẹ thiên nhiên muốn bù lại cho xứ sở nắng nóng này. Lặn xuống nước, sẽ thấy những bãi san hô. Hình thù kỳ lạ của bãi biển này được tạo thành bởi san hô. Có lẽ vì thế mà đi dọc quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam, chỉ nơi đây tôi mới thấy người ta bày bán la liệt những “giò” san hô ngay lề đường. Biển ở đây ấm áp, bãi cát trải dài chứ không quanh co, gấp khúc; nguồn tôm cá dồi dào, chắc vậy nên mọc lên nhiều “lò” nước mắm.

Ảnh: Đình Thức – SV năm 2 ngành PR và chuyến đi thực tế Phan Rang – Ninh Thuận.
Trở về làng nghề truyền thống
Giữa thiên nhiên nắng nóng và gió mạnh này, là Tháp Chàm, là những làng nghề truyền thống lâu đời vẫn tồn tại.

Ảnh Tháp Pôklong Garai và khu bảo tồn văn hoá Chăm dưới chân Tháp.
Rời Tháp Chàm, chúng tôi đến làng gốm Bầu Trúc, cách thị xã Phan Rang 10km về hướng Nam, một làng nghề tiêu biểu và lâu đời của người Chăm. Đây là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, chỉ có hơn 400 hộ sinh sống, trong đó 85% dân làng sống bằng nghề làm gốm. Tôi may mắn gặp được một nghệ nhân trẻ của làng, được nghe anh nói về quá trình hình thành và phát triển của nghề gốm. Điều đặc biệt của nghề gốm này là tất cả đều làm từ đất sét tự nhiên, các công đoạn nặn, tạo kiểu dáng, vẽ hoa văn đến màu sắc làm bằng tay và dụng cụ thô sơ. Trong gian phòng đơn giản chỉ có một góc để đất sét và một bàn xoay nhỏ để thợ làm nghề. Chỉ có các “bàn tay vàng” đã làm ra bao đồ gốm tinh xảo. Ở đó tôi cũng tự tay làm thử một bình gốm, thử tạo hình gốm trên bàn xoay, và trang trí chiếc bình với những mảnh vỏ sò, đầu nắp bút bi… Không đẹp lắm, chắc chắn rồi, nhưng tôi rất vui vì lần đầu tiên được học nghề.
Khi rời xưởng gốm, một cơn mưa giữa mùa hè ập xuống, làm tan đi cái oi bức của vùng đất. Trên con lộ thẳng tắp, một chiếc tàu lửa Bắc Nam vùn vụt băng qua. Giữa vùng ruộng rộng lớn đang yên ả, một con tàu với những hồi còi hú dài lập tức làm bức tranh vùng quê như bừng lên khí sắc mới…
Bánh căn Phan Rang

Hàng bánh căn bình dân đơn giản với hai chiếc bàn dài, vài chiếc ghế gỗ. Ấn tượng nhất là hai lò đổ bánh căn, mỗi lò khoảng 9 khuôn bánh với nét đắp tay, màu gốm thoáng nhìn có thể nhận ra được làm nên từ làng gốm Bàu Trúc. Cái hay là dù bánh căn hiện diện khắp các tỉnh thành, kể cả ở thành phố Hồ Chí Minh (với quán bánh căn 38 nổi tiếng đặt ở quận Phú Nhuận), nhưng nếu không được nướng chín trong những lò bằng gốm của làng này thì không thể có được hương thơm, độ nở, cái cháy sém đặc trưng rất Phan Rang.
***
Tạm biệt thành phố Tháp Chàm. Nhưng dư âm còn đọng trong lòng tôi. Tôi thực sự ấn tượng với tháp Chàm và biết bao điều nơi đây. Biển và núi là thiên tạo. Còn tháp Chàm và làng Gốm? Chỉ từ đất sét mà con người nơi đây tạo ra biết bao kiệt tác. Họ cần mẫn và tài hoa. Họ xuống biển bắt tôm bắt cá để chế ra thương hiệu mắm Phan Rang. Họ siêng năng trên những vạt ruộng, mảnh vườn để chế ra những món ăn dân giã mà đậm đà, ý nhị, mang hồn cốt xứ xở.
Ngày cuối, trước khi tạm biệt Phan Rang, chúng tôi đi ngang những vườn táo, vườn nho. Màu xanh vườn ở đây cũng mỏng mảnh nhạt nhòa hơn những nơi khác vì khí hậu khắc nghiệt. Nhưng nhìn những người nông dân đang cặm cụi làm việc ngước lên cười với chúng tôi đó, họ quả là những người “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” để phủ xanh mảnh đất dư nắng thừa gió này.
Nguyễn Đình Thức
Năm 2, ngành Quan hệ Công chúng