(TT. Thông tin – Văn Lang, 25/12/2014) – Chiều 19/12/2014, Thư viện trường ĐH Văn Lang tổ chức họp mặt tình nguyện viên tại phòng đọc cơ sở 1. Đây vừa là dịp gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm của “người cũ” và “người mới”, vừa để “xốc lại tinh thần đội ngũ” với mong muốn cùng nhau làm việc tốt hơn trong thời gian tới. Buổi họp mặt có 17 sinh viên các khoa trong trường (6 bạn cũ và 11 bạn mới), TS. Hoàng Thị Hồng Hà, Giám đốc TT. Thông tin – Thư viện cùng tham gia.
Vì sao bạn muốn cộng tác với Thư viện?
“Làm việc ở Thư viện vì thích sự yên tĩnh”, “có thể tranh thủ học bài lúc rảnh”, “tranh thủ thời gian trống giữa các tiết học”, “biết thêm nhiều bạn mới”, “thấy được giá trị của đồng tiền”, “thù lao cao hơn so với bên ngoài”, “không lãng phí thời gian rảnh”, “biết được nhiều chương trình do thư viện tổ chức”, “công việc ổn định”, “tranh thủ thời gian rảnh để có thêm thu nhập, trang trải một phần cuộc sống, việc học”, “Các chị nhân viên thư viện nhiệt tình hỗ trợ”, … Đó là những “cái được” rất thiết thực, rất cụ thể mà các bạn tình nguyện viên đã thấy (bạn cũ) và mong muốn (bạn mới) khi cộng tác với Thư viện.
Đinh Minh Đức – SV năm hai ngành Xây dựng
Thế còn khó khăn? “Một số bạn nghỉ không báo trước”, “bị động về thời gian”, “nhiều lúc nhắc nhở các bạn không nghe”, “nhận lương trễ”, “khi trực phải đi đúng giờ”, “tác phong làm việc phải nghiêm túc”… Từ những điều các bạn chia sẻ, tôi phần nào hình dung những thuận lợi, những khó khăn và hình như có cả những bất cập đang tồn tại. Nghe các bạn nói, rồi chợt nghĩ: không biết khi đăng ký tham gia việc làm bán thời gian ở trường, các bạn có bao giờ đặt câu hỏi: Bạn chọn làm thêm ở trường vì điều gì? Các bạn hiểu gì về ba chữ “tình nguyện viên”? Câu hỏi thứ nhất có lẽ dễ trả lời hơn và có thể trả lời được ngay, nhưng câu hỏi thứ hai chắc nhiều bạn mới hiểu hết ý nghĩa công việc mình đang làm, hay chuẩn bị làm đối với các bạn mới.
Nguyễn Văn Phong – SV năm ba ngành Xây dựng
Tình nguyện viên là từ để gọi chung của tất cả sinh viên Văn Lang khi tham gia hỗ trợ tổ chức các hoạt động của trường. Bất kỳ sinh viên nào đều có thể trở thành tình nguyện viên. Đó có thể là thành viên của câu lạc bộ, đội, nhóm, hay sinh viên của các khoa ban tham gia hỗ trợ các sự kiện và trong các hoạt động thường ngày của các đơn vị. Trên tinh thần tự nguyện, sinh viên tham gia các hoạt động của trường, muốn góp sức xây dựng môi trường học tập của mình, muốn chung vui, được trải nghiệm và được khẳng định mình. Tình nguyện, dù là việc lớn hay nhỏ, đều có ý nghĩa.
Hồ Trọng Nhân – SV năm ba ngành CN Sinh học
Tình nguyện viên Thư viện làm gì?
Ngoài ba việc chính: trực phòng đọc, trực khu vực tặng sách đồng môn, gia cố sách, các bạn còn có thể hỗ trợ nhiều hoạt động khác như Chương trình Café sách, CLB Bạn đọc, Hội chợ đồ cũ, hội sách. Nội dung công việc, quyền lợi, yêu cầu đối với mỗi loại công việc đã được các chị nhân viên thư viện giới thiệu trong buổi họp. Các bạn nghe, có vẻ đã sẵn sàng đăng ký công việc, rồi về cho sớm, mà không một chút băn khoăn: ngoài yêu cầu về tác phong: trang phục, giờ giấc, thì thái độ đối với công việc phải như thế nào? nếu làm không được có bị “sa thải” không? Nếu phạm quy thì có bị xử phạt không?… Có lẽ đây là làm việc tại trường mình, các bạn không cần phải lo lắng, hay các bạn chưa nghĩ đến?, hay các bạn chưa đủ mạnh dạn để hỏi, hoặc chưa biết đặt câu hỏi như thế, cũng có thể các bạn tự tin mình đã biết rõ rồi, chắc chắn mình có thể làm được. Tôi không thể đoán được, chỉ biết rằng các bạn còn khá dè dặt, khá uể oải.
Chị Phạm Thị Diễm Hoài giới thiệu các công việc, quyền lợi và nghĩa vụ của tình nguyện viên khi cộng tác với Thư viện cần các bạn tình nguyện viên.
Chị Trần Thị Thảo hướng dẫn các thao tác để gia cố sách. Ảnh chụp chiều 19/12/2014
Tham gia buổi họp từ đầu, quan sát và lắng nghe các bạn trao đổi, TS. Hoàng Hồng Hà, Giám đốc TT. Thông tin – Thư viện đã có những chia sẻ chân thành về một thực tế: sinh viên ra trường khó tìm việc làm, lý do: nhà tuyển dụng đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm việc thực tế. Điều này khó, bởi với sinh viên, học là chuyện quan trọng nhất, nhiều khi toàn tâm cho việc học còn chưa xong lấy đâu thời gian đi làm thêm, hoặc làm thêm thì sẽ bê trễ việc học. Kinh nghiệm làm việc tại rường là một hành trang vô giá. Đây là môi trường để thử nghiệm thực tế. Vì thế ngoài niềm vui được nhận lương, các bạn còn chuẩn bị thêm hành trang là kinh nghiệm làm việc thực tế – một nét son trong hồ sơ xin việc khi ra trường.
Một số nội dung công việc được trao đổi sâu hơn để các bạn cân nhắc trước khi đăng ký. Câu chuyện về thái độ trong công việc được chỉ ra rất cụ thể thông qua công việc tại Thư viện. Sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, có trách nhiệm rất cần nhưng sự tươi tắn, sự thân thiện không thể nào thiếu ở bất kỳ công việc nào, dù bạn làm gì. Điều này Thư viện đã đáp ứng được hay chưa?
Bạn mong muốn Thư viện sẽ như thế nào? Thông qua một trò chơi nhỏ: 17 bạn tình nguyện viên hãy viết ra 5 từ để trả lời câu hỏi này. Thời gian 30s. Kết quả thật thú vị: gần 50% câu trả lời cho biết mong muốn sự thân thiện, nhiệt tình, vui vẻ sau đó là chuyên nghiệp, hiện đại. Thân thiện, nhiệt tình cũng chính là tiêu chí mà Thư viện tuyển cộng tác viên. Thân thiện là gì? Làm điều này quá khó không? Cực kỳ dễ, chỉ cần bạn nở một nụ cười thật tươi khi trao sách đồng môn cho bạn, nở một nụ cười khi chỉ dẫn các loại báo trên kệ. Khi nhắc nhở bạn mình cần nghiêm túc, nhưng đừng quên nở một nụ cười khi bạn mình thực hiện… Tôi tin rằng sau những trải nghiệm hôm nay, các bạn đã hiểu rõ hơn về hai từ thân thiện, và thực hiện nó thật dễ dàng. Hãy nhớ rằng: khuôn mặt bạn sẽ tươi tắn hơn khi làm việc mà vẫn giữ nụ cười trên môi, và khi đó điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Bạn hãy thử xem nhé.
“Bút tích” về những điều các bạn mong muốn về Thư viện và những điều các bạn tình nguyện viên sẽ làm trong thời gian tới để xây dựng một Thư viện Văn Lang như mong muốn.
Bạn sẽ làm gì để đạt được điều đó? Câu trả lời khá phong phú. Từ trừu tượng như ý thức, kỷ luật, tự giác đến những câu trả lời cụ thể như luôn tươi cười, làm cầu nối sinh viên, cố gắng thực hiện theo yêu cầu…. Thực ra yêu cầu của Thư viện không quá khó khăn đối với các bạn đâu, và công việc cũng không có gì khó cả. Tất cả những điều này chính các bạn đã nêu lên. Ví dụ như việc bạn đi làm đúng giờ là tuân thủ nội quy của Thư viện, đảm bảo giờ công của bạn. Khi làm việc, bạn hãy tỏa ra một năng lượng tích cực từ phía mình bằng vẻ mặt tươi tỉnh, hoạt bát, thân thiện khi hướng dẫn và nhắc nhở. Thấy yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ nghĩ ra những ý tưởng để làm việc hiệu quả hơn, chứ không phải đến làm việc bằng một tinh thần uể oải, ngáp ngắn ngáp dài, canh chừng đồng hồ đợi hết giờ thì về… Hãy chăm chỉ đọc sách, hãy suy nghĩ nhiều hơn, năng động hơn một chút, hiểu công việc mình làm, suy nghĩ về nó, cho nó…
Mọi người đã vui vẻ cùng nhau bàn bạc về công việc và những mong muốn để làm việc vui hơn. Đây là buổi họp đầu tiên thể hiện quyết tâm sẽ xây dựng Thư viện Văn Lang thật sự như mong muốn. Để làm điều này, Thư viện cần sự chung tay, và mọi người đã thống nhất sẽ thường xuyên ngồi lại cùng nhau, định kỳ mỗi tháng 1 lần, vào ngày thứ Ba gần ngày 15 nhất của tháng, địa điểm họp có thể luân phiên Thư viện cơ sở 1 và cơ sở 2. Cuộc họp sẽ giúp các bạn cùng xây dựng đội ngũ, cùng chia sẻ kinh nghiệm của mình, làm việc tốt hơn…
Chuyện “màu cờ sắc áo” của Thư viện?
Chuyện đồng phục của tình nguyện viên Thư viện được các bạn rất quan tâm. Thư viện và các bạn tình nguyện viên đã thảo luận sôi nổi về màu sắc, về slogan, và điều kiện để được nhận áo đồng phục. Ý tưởng may đồng phục cho tình nguyện viên Thư viện được tán thành vì các bạn đều thống nhất rằng từ trước đến nay, cộng tác viên Thư viện chưa có một hình ảnh rõ rệt. Hy vọng với bộ đồng phục mới, với tinh thần và thái độ mới, các bạn tình nguyện viên thư viện ở cả hai cơ sở sẽ tươi tắn hơn, thân thiện hơn.
Nhân nói đến chuyện màu cờ sắc áo lại nhớ đến câu chuyện của các bạn tình nguyện viên tư vấn tuyển sinh. Với chiếc áo đoàn màu xanh, các bạn rất tự hào khi gắn lên đó chiếc huy hiệu Văn Lang. và thấy mỗi lần mặc, bạn ấy rát là ủi rất tươm tất. Các bạn ấy chia sẻ với nhau trên trang cá nhân: đồng phục của mình đó, phải giữ gìn cẩn thận, mỗi lần mặc thấy tự hào biết bao nhiêu vì khi mặc lên, mình là hình ảnh của trường đấy. Có lẽ từ ý thức một cách sâu sắc công việc mình làm, trách nhiệm và niềm vinh dự, đội ngũ cộng tác viên tuyển sinh luôn nhiệt tình, tác phong tốt, đặc biệt là sự thân thiện và tươi tắn. Vì thế, không ít lần, phụ huynh đến trực tiếp hoặc gọi điện về đều khen sinh viên Văn Lang thật năng động, thân thiện và các cô chú thấy yên tâm gửi gắm con cháu mình vào môi trường có những người học năng động, nhiệt thành như thế. Dẫu biết rằng, công việc của mỗi đơn vị mỗi khác, nhưng sự thân thiện, sự tươi tắn và chuyên nghiệp thì công việc nào cũng cần.
Và điều quan trọng cuối cùng là Thư viện vẫn đang tiếp tục tuyển tình nguyện viên. Bạn có muốn cùng tham gia với chúng tôi trong đội ngũ trẻ trung vui vẻ này?
Nguyễn Liên