Tôi khác biệt

(TT. Thông tin – Văn Lang, 29/4/2014) – Sự thành công trong xã hội đương đại được xây dựng trên nền tảng ý tưởng và sáng tạo. Vì vậy, việc nhận thức tôi là ai, tôi khác biệt so với hàng tỷ người trên thế giới ở điểm gì – đó là câu hỏi khởi đầu cho con đường xây dựng “”thương hiệu cá nhân”. Cùng chia sẻ những suy tư của cô bạn Khánh Linh – SV năm hai ngành Quan hệ Công chúng – sau khi giao lưu với các nhân vật “khác biệt” trong chương trình “Tôi khác biệt” của CLB 3N (15/4/2014, Hội trường C001, Cơ sở 2 của trường).

Họ làm việc ở những lĩnh vực khác nhau; tuy nhiên, họ đều có một điểm chung: thành công vì đã khẳng định được chất riêng của mình trên mặt bằng nhân lực Việt Nam và thế giới. Gặp gỡ, trò chuyện với họ là cơ hội hiếm có để mở rộng thế giới nhân quan và tư duy sống, làm việc; để cảm nhận rõ nét, mỗi người đều tiềm tàng một cái tôi-khác-biệt.

image001

Người mang cả thị trấn Mỹ về Việt Nam” – Đó là cách mọi người gọi doanh nhân Phạm Đình Nguyên. Với tôi, để tạo nên dấu ấn về sự khác biệt ở vị trí thị trưởng thị trấn PhinDeli Town Buford vào năm 2012; trước đấy khá lâu, anh Phạm Đình Nguyên hẳn đã là một người khác biệt. Có lẽ ít ai quan tâm và biết anh Phạm Đình Nguyên từng làm việc tại các doanh nghiệp lớn như Coca – Cola Vietnam, Nokia Vietnam, Effem Food, ICP, Kinh Đô. Kinh nghiệm bao nhiêu năm “nằm kén” ấy giúp anh thành lập và kinh doanh hiệu quả Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế IDS và kế tiếp là sự ra đời thương hiệu PhinDeli. Sự khác biệt không chỉ nằm ở kết quả mà nằm ở quá trình; đôi khi không nổi bật, thu hút mà chỉ cần “hữu xạ tự nhiên hương”. Cũng như giờ đây nhìn lại, chức vụ thị trưởng một thành phố ở Mỹ với anh là một tấm danh thiếp đẹp để khẳng định tài năng quản lý, marketing trong lĩnh vực kinh doanh của mình khi mục đích của việc mua thị trấn không nằm ở giá trị bất động sản mà nằm ở hiệu quả quảng bá thương hiệu (cả trong và ngoài nước) và mở rộng thị trường (với mặt hàng đầu tiên là cà phê). Sự khác biệt của anh Phạm Đình Nguyên là kinh doanh theo cách của anh ấy, một con đường khác với lối mòn xưa nay.

image003

Cậu bé Đặng Thiên Chương trải qua cơn sốt bại liệt năm 4 tuổi giờ đây trở thành nhà thiết kế Chương Đặng được giới thời trang đánh giá cao ở tuổi 38 với thương hiệu Kujeans, với năng lực ngoại ngữ tốt. Tôi không nhìn thấy ở những thông tin này nhiều sự khác biệt giữa nhân vật Chương Đặng với những nhân vật khác ở sự nỗ lực vươn lên, khắc phục hoàn cảnh. Nhưng có dịp tìm hiểu về những câu chuyện anh chia sẻ, tôi nhận thấy thì ra Chương Đặng là một cái tôi-khác-biệt thật! Phẩm chất tạo nên sự khác biệt ở anh chính là người yêu thích quan sát. Cũng sống giữa bộn bề âm thanh, sắc màu, hương vị trong không gian sống đó, nhưng không phải ai (trong đó có tôi) cũng quan sát đủ và quan sát kỹ như anh. Chính điều đó khiến anh nhận ra “bất kỳ thứ gì, bất cứ ai tồn tại cũng đều vì những lý do đặc biệt thú vị.”, khiến anh suy nghĩ và tạo ra sức sống cho những điều tưởng chừng như bình thường. Anh đã chọn thiết kế theo phương thức remake – con đường mà ít nhà thiết kế đi theo. Tái sinh lại điều gì đó có sẵn nhưng đã chết (một phần hoặc toàn bộ) khó không kém việc khai sinh ra cái mới. Với Chương Đặng, “sự tái sinh có ý nghĩa nhiều hơn sự khai sinh”. Câu chuyện của anh khiến tôi nhớ đến cuốn sách “Trí tuệ Do Thái” của Eran Kart.

image005

“ ThS. Lục Vũ Hoài – Người giảng viên được sinh viên ngành Quan hệ công chúng kính phục không chỉ bởi kiến thức và phương thức giảng dạy mà còn bởi đam mê, cảm hứng trải nghiệm và thành công qua câu chuyện lập nghiệp thực tế của cô; câu chuyện về quá trình “đi, học hỏi và sáng tạo”. Tôi và bạn bè trẻ hơn cô nhưng chúng tôi cảm nhận được rất rõ cô sống đúng tinh thần tuổi trẻ hơn chúng tôi: Có những ý tưởng “độc” và mới, sáng tạo nhiều thứ hay và hữu ích, dấn thân và dám thực hiện những dự án mang tính rủi ro. Mô hình cinema mini trong quán cà phê, website viết di chúc online,… Những ý tưởng có vẻ giản đơn nhưng nếu không nhạy bén và nắm bắt tốt xu hướng thị trường, không phải ai cũng nhận thấy và nghĩ ra chúng. Nhìn vào danh sách những công việc cô đã, đang tham gia mới thấy hết sức mạnh “khác biệt” của người phụ nữ trẻ tuổi này: Phát thanh viên, Biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam; PR & Marketing Manager của Sisley Paris và Pandora Jewelry; Chịu trách nhiệm PR cho Laneige Cosmetic & Lancel; Xây dựng thương hiệu Việt Tiến tại Lào; Giám đốc điều hành Công ty Lục Gia Long; Chủ thương hiệu Sunny’s Soaps;…

Trên giảng đường, chúng tôi luôn được thầy cô khuyến khích tạo nên điều khác biệt, xây dựng thương hiệu cá nhân vì đó là yếu tố để tồn tại và thành công, như chính tên gọi của một cuốn sách “Khác biệt hay là chết”. Thế nhưng điều khó đối với những sinh viên trẻ như tôi là nhận biết bản thân và tìm ra phương thức phát triển thế mạnh cá nhân. Người trẻ phạm sai lầm khi loay hoay với câu hỏi “Nổi tiếng có phải là thước đo của sự khác biệt?”. Anh Phạm Đình Nguyên bảo “Nổi tiếng không có nghĩa là thành công. Sống hạnh phúc là thành công”; cô Lục Vũ Hoài nói “Hạnh phúc là cảm nhận trong trái tim mình”. Chúng tôi nghĩ tiền bạc và sự nổi tiếng cũng là thước đo giá trị cá nhân, cũng góp phần mang lại hạnh phúc cho con người. Khi nghe anh Phạm Đình Nguyên và cô Lục Vũ Hoài trả lời như trên, tôi thầm nghĩ những người từng trải này hình như cũng muốn viết một cuốn sách dạng “hạt giống tâm hồn”, ru ngủ và hơi ảo tưởng đây! Thế nhưng tôi đã lầm, họ suy nghĩ chắn chắc và vững vàng hơn rất nhiều. Họ không sống ở “bề mặt” như chúng tôi mà họ biết dưới mặt biển trong xanh là vùng thẳm sâu tối hơn, lạnh hơn của đáy nước. Nhà thiết kế Chương Đặng chia sẻ: “Tiền bạc, sự nổi tiếng là điều tự nhiên sẽ đến khi bạn sống hết mình, làm hết mình. Kiếm tiền không sai, nhưng sống cần quân bình mới tốt.”; cô Lục Vũ Hoài khích lệ: “Ước mơ, tin rằng mình có khả năng thực hiện, nắm bắt cơ hội và thành công; bạn hãy cứ làm đi.”; anh Phạm Đình Nguyên hướng dẫn: “Bạn cần trả lời được 2 câu hỏi: Bạn là ai? Bạn làm được gì? Sau đó, bạn sẽ có đam mê thực hiện và biết mình cần làm gì.”. Thế đấy, khác biệt và sự nổi tiếng phải có cơ sở, phải dựa trên năng lực và sự phấn đấu thì mới có được thành công lâu dài và giá trị.

Doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã thực hiện lý tưởng lớn của mình bằng một hợp đồng thương mại “nhỏ”; nhà thiết kế Chương Đặng khẳng định mình, khiến mình vui khi biết quan tâm, không “keo kiệt” với bản thân mà mạnh dạn khám phá, mạnh dạn thử sức những khía cạnh mà cá nhân chỉ vừa nghĩ đến nhưng “có sự khiêm nhường, lùi lại một bước để có tầm nhìn rộng hơn, xem xét mọi việc kỹ càng hơn”; cô Lục Vũ Hoài có khả năng làm việc đa vai trò, đa lĩnh vực với phong cách năng động và tự xây dựng kinh nghiệm phong phú bằng cách làm việc thực, biết hạn chế cái tôi, biết lắng nghe, biết xin lỗi, thành thật và yêu thương.

image007

image009

Những chia sẻ từ các vị khách mời rất gần thực tế nhưng cũng đầy triết lý đã truyền cảm hứng để những sinh viên trẻ tiếp tục cuộc hành trình tạo dựng “thương hiệu” cá nhân, từng bước làm việc, trưởng thành.

image011

Có lẽ, chúng tôi đã sống quá lâu trong sự “bắt chước” một cách vô thức và bong bóng “ảo tưởng” của những người trẻ thừa sự hiếu thắng. Chính sự phụ thuộc với mong muốn an toàn đã khiến cuộc đời chúng tôi bình lặng hơn, giống nhau nhiều hơn và thành công ít hơn. Tuy nhiên, những điều ấy dần khiến chúng tôi cảm nhận cuộc sống tẻ nhạt hơn, sự bất lực càng lớn, ảo tưởng về bản thân cũng càng lớn nhưng mơ ước, hành động và thành công càng mịt mờ. Tôi và bạn bè tôi đã hiểu, có lẽ, mình cần phải tìm ra chất riêng, thế mạnh nổi trội ngay từ bây giờ. Nó chưa mất đi, nó vẫn còn tiềm ẩn đâu đó trong bản thân mình. Chỉ cần kiên trì, nỗ lực hơn nữa; chỉ cần mục tiêu rõ ràng, cụ thể hơn nữa; chỉ cần hành động tích cực, mạnh mẽ hơn nữa rồi tôi sẽ tự định nghĩa được mình ở tương lai không xa.

image013

Mỗi sinh viên đến với chương trình có thể in dấu vân tay của mình trên tấm card mang tên chương trình “Tôi khác biệt” – Đó là điểm khác biệt của chương trình, cũng là điều nhắc nhớ các bạn về bài học thành công này.

Những “thương hiệu” Phạm Đình Nguyên, Lục Hoài Vũ hay Chương Đặng ấn tượng nhưng không xa vời cao siêu; khó đạt được nhưng không phải là không thể. Để khác biệt và thành công, đơn giản và chân thực hơn tôi nghĩ: tự tin là chính mình và hành động có suy nghĩ, có mục tiêu.

Khánh Linh

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan