Tôi là tình nguyện viên tư vấn tuyển sinh

(TT. Thông tin – Văn Lang, 04/9/2014) – Tình nguyện viên SV đã đồng hành cùng công tác tuyển sinh của trường trong nhiều năm qua. Các bạn đã để lại hình ảnh đẹp về SV Văn Lang trong lòng thí sinh, phụ huynh. Dưới đây là vài câu chuyện vui buồn khi tư vấn mà các bạn tình nguyện viên SV tư vấn tuyển sinh chia sẻ trong mùa tuyển sinh 2014.

Tuyển sinh là việc của toàn trường. Và Văn Lang khuyến khích SV cùng tham gia vì chúng tôi mong muốn phát huy ở các bạn tinh thần đại gia đình Văn Lang: thế hệ đàn anh đi trước dìu dắt thế hệ đàn em tiếp bước; vì chúng tôi hy vọng thí sinh, phụ huynh có thể nhìn thấy tương lai của mình, đường hướng của mình cụ thể hơn qua những trải nghiệm thực tế của SV đang học tập tại trường.

Từ năm 2007 đến nay, nhiều lớp tình nguyện viên sinh viên tư vấn tuyển sinh đã mang đến cơ hội tìm hiểu rộng mở hơn về thông tin tuyển sinh cho thí sinh, phụ huynh. Có những bạn đã rong ruổi cùng những Thầy/Cô làm công tác tuyển sinh của trường ra miền Trung, ngược lên vùng Tây Nguyên, đi khắp các trường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; có những bạn đã gắn bó với đội tư vấn từ năm nhất, đến khi đi làm vẫn nhớ “nghề” mà về trường cuối tuần để cùng tham gia;… Và hầu hết các bạn đều trưởng thành hơn, gắn bó với trường hơn, biết chia sẻ hơn sau mỗi mùa tư vấn tuyển sinh.

Năm 2014, đội hình tình nguyện viên tư vấn tuyển sinh của trường ĐH Văn Lang gồm 18 SV thuộc những ngành học khác nhau; có những bạn “thâm niên” đã 1, 2 năm; có những bạn là “lính mới”. Dưới đây là những câu chuyện, những suy nghĩ của các bạn sau gần một tháng trải nghiệm công việc này.

Niềm vui vì được chia sẻ

” Đây là lần đầu tiên tôi tham gia tư vấn tuyển sinh. Công việc cho tôi suy nghĩ nhiều hơn về bản thân, về những người xung quanh mình.

image003

Đối với các tư vấn viên sinh viên, lợi ích của thí sinh là quan trọng nhất. (ảnh: Ngọc Anh – áo xanh, bên phải – và Cẩm Huyền – áo trắng, đứng – đang tư vấn cho thí sinh trong Hội thảo Xét tuyển NVBS trường ĐH Văn Lang, 10/8/2014) Khi nhìn các bạn thí sinh đến nộp hồ sơ, tôi nhớ mình trước đây. Có bạn thực sự trăn trở, phân vân khi lựa chọn ngành học, trường học; có bạn dễ dàng đưa ra quyết định mà không mấy cân nhắc. Tôi đã từng như họ, quá trẻ để quyết định chắc chắn điều sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của mình sau này.

“Em có thực sự hợp với ngành này không chị?”, “Nếu sau này em cảm thấy không hợp thì em có thể chuyển ngành không?”, “Em có cơ hội đậu cao không chị?”,… lo lắng của các bạn rất thật. Các bạn trẻ, các bạn có nhiều dự định, ước mơ, các bạn hăm hở với việc thực hiện chúng nhưng khi đi đến cánh cửa NVBS, sự hăm hở ấy bị nỗi sợ lấn át phần nào. Như Mark Twain có lần đã viết trong tác phẩm của mình, rằng những ngôi sao khi nhìn bao giờ cũng thật gần cho đến khi với tay hái xuống mới thấy không thể nào chạm được. Những bạn sinh viên tư vấn như tôi đều cảm nhận được điều này ở các bạn, và hơn thế, chúng tôi đã từng có cảm nhận này. Vì vậy, tôi mỉm cười với các bạn, tôi chia sẻ với các bạn, tôi hiểu khó khăn của các bạn và tôi muốn giúp các bạn phần nào.

Khi nhìn các bậc phụ huynh, tôi nhận ra mình cần sống bằng lăng kính và cuộc đời của những người khác nữa, để cảm thông với họ, và để mình sống cảm xúc hơn. Tư vấn tuyển sinh không giống như tổng đài 1080. Có những phụ huynh đến trường không chỉ vì thông tin mà quan trọng hơn, họ muốn có sự an tâm hay đôi khi muốn trò chuyện và nếu có ai đó hiểu được những gì họ đang trải qua thì càng tốt. Sự lo lắng, sốt ruột của phụ huynh hiện rõ trên gương mặt khi đến với chúng tôi.

Có một câu chuyện khiến tôi xúc động. Ngày 9/8/2014, trường ĐH Văn Lang công bố điểm trúng tuyển NV1. Nhiều lượt thí sinh, phụ huynh sốt ruột đến trường xin nhận giấy báo trúng tuyển trực tiếp. Nhưng có hai cha con từ An Giang đến xin hủy kết quả tuyển sinh vào trường. “Em nó đậu NV1, 17 điểm ngành Kế toán. Gia đình tìm hiểu kỹ về trường rồi mới chọn NV1 vào Văn Lang. Nhưng giờ, mẹ nó mới phát hiện bị bệnh. Gia đình phải chạy chữa nhiều, khó khăn quá nên mới phải lên đây xin cho hủy kết quả tuyển sinh vào trường, về An Giang xin nộp NVBS. Dưới đó có người hứa cho nó học bổng học 4 năm. Mà học xong, ở dưới đó chưa biết có tìm được việc không. Khổ quá con ơi!”. Tôi không giúp được gì nhiều cho cha con chú, chỉ ngồi nghe chuyện, chỉ khuyên em nên học thêm Ngoại ngữ và các phần mềm Kế toán để dễ dàng tìm việc sau này. Hội đồng Tuyển sinh đã giải quyết để em có thể bước vào giảng đường đại học, dù là một trường khác không phải Văn Lang. Đến khi đó, tôi hiểu rằng trường cho chúng tôi cùng tham gia tuyển sinh, không hẳn là phải tư vấn để thí sinh vào trường mà trên hết, để thí sinh có cơ hội tìm hiểu thông tin và vững vàng tiếp bước trên con đường học tập. Tôi nhận lời cảm ơn của chú, và cũng thầm gửi chú lời cảm ơn của tôi vì đã cho tôi biết ý nghĩa của công việc này: tiếp xúc để biết cảm thông hơn với mọi người. Mong gia đình chú vượt qua khó khăn này, và mong em gái ấy có thể tiếp tục phấn đấu cho nghề nghiệp của mình.

“Nguyễn Ngọc Anh, SV ngành Ngôn ngữ Anh”

Ban đầu, tôi đăng ký làm tư vấn tuyển sinh vì muốn có một công việc làm thêm trong hè, kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, khi thấy nhóm có đến 18 bạn, thời gian làm việc ngắn, chỉ khoảng 1 tháng, tôi hụt hẫng ít nhiều. Tuy nhiên, khi thực sự làm việc, tôi cảm thấy rất vui. Tư vấn tuyển sinh không chỉ là một công việc làm thêm dành cho SV, đó là công việc để bạn trải nghiệm, rèn luyện và nhận ra những ý nghĩa khác của cuộc sống. Công việc giúp tôi tiếp xúc với nhiều người, buộc tôi phải mạnh dạn giao tiếp, tôi dần thoát khỏi vỏ bọc trầm tư của mình. Công việc làm tôi nhớ mình đã lo lắng,hồi hộp, mong đợi thế nào khi đăng ký xét tuyển NVBS vào năm trước; nó nhắc nhớ tôi rằng mình đã vượt qua khó khăn để có được tấm vé vào cổng trường đại học, tấm vé ấy chỉ có giá trị khi mình biết cố gắng học tập và rèn luyện. Công việc cũng cho tôi làm quen với các bạn, các anh chị trong trường mà tôi chưa từng gặp mặt biết tên trước đó. Chúng tôi gặp nhau, hoàn toàn xa lạ, nhưng chỉ trong vòng “vài nốt nhạc”, chúng tôi đã bắt chuyện với nhau, trao đổi thông tin cho nhau và hỗ trợ nhau làm việc. Công việc cũng giúp tôi cảm thấy yêu ba mẹ nhiều hơn khi nhìn thấy các bậc phụ huynh ngưng việc, lặn lội từ tỉnh lên thành phố để hỏi thông tin cho con.

Trong thời gian tư vấn tuyển sinh, tôi đã gặp không ít chuyện vui buồn. 

Tư vấn tuyển sinh hơn cả một công việc làm thêm, vì nó giúp SV hiểu biết nhiều hơn về trường và rèn luyện kỹ năng, mở rộng nhận thức về quan hệ với những người xung quanh.

image007

(ảnh: Anh Hào hướng dẫn thông tin ngành học cho phụ huynh, ngày 21/8/2014)

Vào một buổi chiều, tôi tiếp chuyện một phụ huynh. Con của cô đã đăng ký xét tuyển ở một trường khác, đã có kết quả và sẽ phải nhập học vào ngày 05/9/2014. Tuy nhiên, gia đình và em mong muốn vào học ở Văn Lang với chính sách học phí ổn định. Người mẹ phân vân, lựa chọn nhập học ở trường khác cho an toàn hay gửi cơ hội vào Văn Lang và chờ đợi để may mắn được học ở môi trường mà mình thích. Cô nói với tôi về mơ ước nghề nghiệp của con, về khả năng của con. Cuộc tư vấn dần trở thành cuộc trò chuyện thân tình. Từ chuyện học hành, thi cử của con, cô quay sang hỏi tôi về việc học, sinh hoạt ở trường. Tôi tự nhiên kể cho cô nghe về những gì mình học và làm ở trường, cảm nhận về trường. Tôi cũng động viên cô an tâm vì điểm số của em chênh lệch kha khá so với mức điểm xét tuyển. Cô có thể theo dõi danh sách hồ sơ nộp vào trường và gọi đến trường trong ngày 05/9/2014 – thời điểm gần cuối đợt xét tuyển – để đưa ra quyết định. Trước khi ra về, cô khen tôi mới học một năm đại học mà nhanh nhẹn, tự tin hơn học sinh cấp ba nhiều. Tôi cảm thấy vui, vì có lẽ, tôi đã khiến cô an tâm hơn về con đường phía trước của con cô, về ngôi trường mà gia đình cô đã lựa chọn và gửi gắm hy vọng.

Trong một ca trực, tôi gặp một bạn thí sinh có điểm số khá cao: 30 điểm khối V (đã nhân hệ số). Tôi chia sẻ với bạn rằng với điểm số này, bạn có khả năng trúng tuyển cao, bạn có thể an tâm phần nào. Thế nhưng, khi nói chuyện với bạn mới thấy đối với những thí sinh xét tuyển NVBS, tâm lý ai cũng khá nặng nề, dù điểm số có khả quan chăng nữa. Bạn ở miền Trung, vào Sài Gòn luyện thi. Năm ngoái, bạn thi vào trường ĐH Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, thiếu nửa điểm. Bạn quyết chí ôn thi lại. Năm nay, bạn thi vào trường ĐH Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, vẫn là thiếu nửa điểm. Vì vậy, dù cơ hội vào học ở Văn Lang khả quan nhưng bạn vẫn có chút buồn. Bạn mong rằng Văn Lang là sự may mắn sau hai lần thất bại của bạn. Tôi nghĩ, với nghị lực và ý chí đã giúp bạn vượt qua hai lần thi cử như vậy, bạn sẽ đủ sức mạnh để học tốt ở Văn Lang trong những năm tiếp sau.

“Nguyễn Anh Hào, SV ngành Thiết kế Công nghiệp”

“Trưởng thành trong suy nghĩ”

Sáng ngày 21/8/2014, dù không phải ca trực nhưng khi đi qua khu vực tư vấn, thấy nhiều thí sinh, phụ huynh ngồi chờ, tôi nán lại một chút để trò chuyện và hướng dẫn thí sinh làm thủ tục. Tôi gặp 2 mẹ con vừa mới từ Cà Mau lên. Em thi được 14.5 điểm khối A, có niềm yêu thích đặc biệt với ngành Kỹ thuật Phần mềm của trường. Tôi đã hướng dẫn em hoàn tất hồ sơ. Sau đó, tôi quay sang hướng dẫn những bạn khác. Thế nhưng, hồi lâu, tôi vẫn thấy 2 mẹ con ngồi đó, vẫn do dự chưa nộp hồ sơ. Thấy vậy, tôi tò mò hỏi chuyện cô. Lúc đầu, cô khá ái ngại; nhưng về sau, cuộc trò chuyện thân tình dần. Tôi biết cả gia đình cô làm nông, nhưng dù vất vả đến mấy cũng muốn con học hành đàng hoàng. Em thích Kỹ thuật Phần mềm, biết học phí ngành này là 29 triệu/năm nhưng “thương con, thương cho tương lai của nó”, cô mới dẫn em lên đây để nộp hồ sơ vào trường. Khoản học phí đó có lẽ sẽ vất vả lắm cô chú mới có thể lo cho em. Nhưng lên trường, biết nếu đậu, con cô sẽ học ở quận 1, cô lại phải tính tiền ăn, tiền ở mỗi tháng vì quận 1 có gì là rẻ đâu; nếu đậu, lần đầu tiên, con cô sẽ sống xa nhà, lo lắng cho con mà ở xa thế thì cũng chẳng giúp được gì, lại thêm nhớ con nữa. Cô kể, nước mắt chực tràn. Tôi nắm tay cô an ủi. Cô làm tôi nghĩ đến mẹ tôi, nghĩ đến những ông bố bà mẹ khác cùng con đến đây mà tôi từng gặp. Tôi kể với cô về tôi, rằng tôi đã xa nhà, trọ học từ năm lớp 10, rằng mẹ tôi muốn tôi tập trung học mà không phải làm thêm và cô có thể thấy, tôi giờ đây trước mặt cô đã biết tự lo cho mình, đã có thể tìm một công việc làm thêm cho mình mà không quá ảnh hưởng đến việc học, đã có thể “lớn dần” trong mắt mẹ tôi. Sau đó, cô đã dẫn em đi nộp hồ sơ; cô còn mời tôi dùng cơm trưa. Hôm đó, tôi xin được từ chối vì còn công việc; nhưng tôi mong sẽ có dịp ghé Cà Mau, ăn với cô một bữa cơm khi em đã vào học ở Văn Lang, và cô chú đã vững tâm hơn về tương lai của con mình.

image010

(ảnh: đội ngũ tình nguyện viên SV thông tin đến phụ huynh, thí sinh điểm xét tuyển NVBS, cách thức làm hồ sơ và tham khảo thông tin năm 2013, ngày 20/8/2014)

Đội ngũ tình nguyện viên tư vấn tuyển sinh của trường được tập huấn hằng năm, vào đầu mùa tuyển sinh. Bên cạnh kiến thức, kỹ năng cần thiết, với tinh thần tình nguyện, các bạn thể hiện trách nhiệm với công việc và tận tâm với thí sinh, phụ huynh.

Hai năm cộng tác cùng Trung tâm Thông tin, làm công việc tư vấn tuyển sinh, tôi gặp không ít những câu chuyện xúc động như thế. Nó khiến tôi lớn hơn nhiều trong suy nghĩ. Vừa qua ngưỡng năm nhất, tôi đã tìm đến công việc tư vấn tuyển sinh – tôi nghĩ đây là một công việc làm thêm nhẹ nhàng, làm việc trong trường. Đăng ký làm rồi mới thấy công việc khá áp lực bởi tôi là người khá rụt rè. Trong học kỳ 1 năm nhất, môn nào có thuyết trình thì tôi lắp bắp, bị điểm thấp. Tuy nhiên, tiếp xúc công việc vài tuần, tôi tự tin hơn hẳn, nói chuyện với mọi người thoải mái hơn. Việc tư vấn giúp tôi khắc phục điểm yếu của bản thân. Càng trải nghiệm trong công việc này, tôi càng yêu thích nó. Đây là một công việc. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Công việc không thường xuyên, nhiều bạn cùng chia sẻ với nhau nên số giờ làm không nhiều. Thế nhưng, hơn hết, chúng tôi muốn đóng góp một chút cho trường, và muốn giúp đỡ cho các bạn thí sinh giống mình ngày trước. Và từ đây, tôi cũng quyết định hướng đi cho mình: tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Hệ thống Thông tin (ISM), ngành Quản trị Kinh doanh, tôi sẽ phát triển nghề nghiệp theo hướng trở thành một chuyên viên tư vấn.

“Phạm Trí Thành, SV ngành Quản trị Kinh doanh”

“Công việc không dễ dàng”

Tư vấn tuyển sinh là một công việc không dễ dàng. Lúc đầu, tôi nghĩ tư vấn tuyển sinh chỉ cần học thuộc những thông tin về trường, lắng nghe phụ huynh, thí sinh trò chuyện và hướng dẫn hồ sơ NVBS. Nhưng khi vào làm rồi, tôi nhận thấy những điều đó chưa đủ để làm tốt công việc này.

image014

Tư vấn tuyển sinh, trong một ngày, SV có thể gặp nhiều lần những hoàn cảnh giống nhau hay lặp lại nhiều lần cùng nội dung thông tin, nhưng các bạn vẫn giữ được nụ cười thân thiện, vì nhận thức được rằng, đối với phụ huynh, thí sinh, đây là lần đầu tiên đối mặt với nỗi lo NVBS.

Khi tư vấn, bạn sẽ gặp những gương mặt chờ đợi của thí sinh, lo lắng của phụ huynh. Và khi đưa ra câu trả lời nào, bạn cũng sẽ chú ý và cân nhắc đến những biểu hiện cảm xúc trên gương mặt ấy. Tôi từng là thí sinh đăng ký xét tuyển NVBS, tôi từng được các anh chị tình nguyện viên tư vấn, ba mẹ tôi từng suy nghĩ và lo lắng cho tôi,… Giờ đây, những kinh nghiệm cảm xúc ấy khiến tôi phải đối diện và tư vấn với thí sinh, phụ huynh ở một tâm thế khác.

Lặp lại nhiều lần cùng nội dung câu trả lời hay hướng dẫn; giải thích quy chế một cách đơn giản, dễ hiểu đối với thí sinh, phụ huynh lần đầu tiếp cận thông tin; luôn giữ cho mình nét tươi vui trên gương mặt;… mọi điều đều không dễ dàng nhưng bạn sẽ thấy sự cố gắng của mình xứng đáng khi nhận được lời cảm ơn của thí sinh, khi nhìn thấy cái nhíu mày của phụ huynh giãn ra. Tuy nhiên, đôi lúc bạn sẽ thấy buồn khi phải nói với một bạn thí sinh rằng điểm của em cơ hội trúng tuyển không cao lắm; khi phải hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ vào ngành học an toàn nhưng bản thân thí sinh không mấy yêu thích; khi thấy thí sinh dù yêu ngành, thích trường nhưng vẫn do dự, loay hoay vì gia đình khó khăn, phải cân nhắc tài chính;… Làm tư vấn, nghe và thấy bao nhiêu hoàn cảnh khác nhau, cảm nhận bao nhiêu cảm xúc khác nhau và phải giữ cho mình sự cân bằng nhất định – điều này thật không dễ dàng. 

Tôi vui vì mình đã tham gia tư vấn tuyển sinh vì đây là công việc ý nghĩa, dù không dễ dàng.

“Phan Gia Thiên, SV ngành Ngôn ngữ Anh”

Năm trước, khi đến Văn Lang nộp hồ sơ xét tuyển NVBS, tôi đã gặp các anh chị tư vấn. Tôi khá chủ động trong việc tìm hiểu thông tin và xác định sớm ngành học mình yêu thích nên không mấy phân vân khi đăng ký. Vì vậy, tôi nghĩ làm tư vấn tuyển sinh cũng dễ thôi. Tuy nhiên, năm nay, khi tham gia công việc tư vấn, tôi mới nhận ra rằng nhiều thí sinh, phụ huynh vẫn chưa thực sự hiểu hết con đường mà mình đang đi. Đa số thí sinh chọn ngành theo xu hướng chung như bạn bè, hoặc theo sự lựa chọn của gia đình. Khi tôi hỏi bạn giỏi gì, bạn nhận thấy mình có những tố chất nào,… các bạn trả lời không chắc chắn hoàn toàn. Đa số các bạn đăng ký xét tuyển NVBS chỉ nghĩ đến mục đích có thể đậu và học đại học, ngành nghề không quan trọng lắm, đi đến đâu hay đến đó. Và tôi nghĩ lại mình. Nếu phụ huynh, thí sinh quan tâm đến ngành nghề từ những năm cuối cấp 2 và tìm hiểu, định hướng suốt những năm cấp 3 thì cơ hội và hứng thú nghề nghiệp của các bạn sẽ rõ ràng hơn. Nhưng điều này không phổ biến. Vì vậy, công việc tư vấn tuyển sinh mà tôi đang làm có ý nghĩa về mặt này: hỗ trợ thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin ngành nghề, trường lớp,.. trước khi quyết định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NVBS.

“Trần Vũ Minh Thư, SV ngành Kiến trúc”

Ở Văn Lang, các bạn SV trở thành tình nguyện viên trong nhiều hoạt động khác nhau: tư vấn tuyển sinh, đón tân sinh viên, tìm kiếm địa chỉ nhà trọ, vệ sinh môi trường học đường,… Việc làm tình nguyện với tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm dành cho trường đã trở thành nét đẹp văn hóa học đường của SV Văn Lang. Văn Lang luôn tạo điều kiện để SV tham gia các hoạt động của trường với vai trò là người thiết kế, tổ chức, điều phối và thực hiện công việc để các bạn rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm đồng thời, cảm nhận niềm vui hòa nhập cùng bè bạn, niềm vui được chia sẻ cảm xúc và giúp đỡ mọi người. Qua những câu chuyện về công việc tư vấn tuyển sinh như trên, có thể thấy rằng việc tham gia làm tình nguyện viên của trường đã giúp các bạn trưởng thành hơn, và quan trọng hơn, giúp các bạn biết cách mở rộng mối quan tâm của mình hơn. Đó là một trong những cách để học tập và trưởng thành ở ngôi trường này.

Minh An (tổng hợp)
Ảnh: Lê Đào Duy

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan