Tuyển sinh ĐH 2015: Chuẩn bị cho kỳ thi năng khiếu

(TT. Thông tin – Văn Lang, 13/3/2015) – Năm 2015, để xét tuyển vào các ngành Kiến trúc, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Nội thất, Thiết kế đồ họa, Thiết kế công nghiệp, Trường ĐH Văn Lang tổ chức thi các môn năng khiếu: Vẽ trang trí, Vẽ mỹ thuật, Vẽ hình họa.

Bài nói chuyện sau đây của ThS. Nguyễn Đắc Thái – Phó Trưởng Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường ĐH Văn Lang nhằm giúp học sinh hình dung rõ nét về kỳ thi năng khiếu vẽ, những yêu cầu của bài thi, và cách ôn luyện hiệu quả. Hy vọng các em học sinh và phụ huynh tìm thấy trong những chia sẻ nhỏ này các thông tin hữu ích cho mình. 


Có khiếu vẽ – thi năng khiếu: hai chuyện khác nhau

DH van lang ts 2015 chuan bi ky thi nang khieu 01Ảnh: ThS. Nguyễn Đắc Thái tư vấn cho học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (28/2/2015, Tp.HCM) về các ngành năng khiếu của Trường ĐH Văn Lang.Thứ nhất cần xác định rõ sự khác biệt giữa việc học sinh phổ thông có khiếu vẽ – một năng khiếu tự phát, cho thấy khả năng tiếp nhận mỹ thuật nhanh/chậm, và việc các em tham gia kỳ thi năng khiếu vào các trường nghệ thuật, cho thấy một trình độ cảm thụ nhất định về nghệ thuật.

Ví dụ, với môn trang trí màu, học sinh phải thể hiện được khả năng ứng dụng hoa văn, họa tiết trong cảm thụ về không gian, chất liệu, bề mặt mà đề thi đưa ra, ví dụ hoa văn trên bề mặt một chiếc đĩa sẽ khác với hoa văn trên chụp đèn, trên bìa sách…, chưa kể nếu đề thi yêu cầu chỉ được sử dụng những gam màu nhất định, thì học sinh phải nhạy bén trong cảm thụ màu sắc.

 

Với môn vẽ hình họa, tức là vẽ chân dung, vẽ người, học sinh phải cho thấy mình hiểu về tỷ lệ đầu người, diễn tả được khối, nắm bắt được tỷ lệ hình khối trên giấy, cao hơn là diễn tả được đặc điểm của nhân vật…

Với môn vẽ mỹ thuật, tức là vẽ tĩnh vật chì, học sinh phải cảm nhận được sáng tối, trước sau, chất liệu của tĩnh vật, tương quan giữa vật thể và môi trường xung quanh…

Nhìn chung, khi sử dụng năng khiếu bẩm sinh của mình để ứng dụng vào một bài thi năng khiếu vào trường mỹ thuật, các em cần hiểu rõ đòi hỏi của bài thi để thể hiện khả năng của mình một cách tốt nhất.

Các môn thi năng khiếu
Hiện nay, hầu hết các trường đào tạo về mỹ thuật thống nhất về các môn thi năng khiếu. Có 3 môn thi cơ bản: vẽ trang trí (nội dung: vẽ màu), vẽ mỹ thuật (nội dung: vẽ chì, tĩnh vật), vẽ hình họa (nội dung: vẽ chì, vẽ chân dung). Tên gọi và yêu cầu của bài thi các môn thi vẽ cũng tương đồng giữa các trường. 

DH van lang ts 2015 chuan bi ky thi nang khieu 02                      SV Văn Lang trong giờ học hình họaTrường ĐH Văn Lang có 5 ngành tuyển sinh các môn năng khiếu: Kiến trúc, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Nội thất, Thiết kế đồ họa, Thiết kế công nghiệp.

Năm 2015, các ngành này xét tuyển những tổ hợp môn sau:
Ngành Kiến trúc: [Toán, Văn, Vẽ mỹ thuật]; [Toán, Lý, Vẽ mỹ thuật]

Ngành Thiết kế Thời trang và ngành Thiết kế Đồ họa:
[Toán, Văn, Vẽ trang trí]; [Văn, Vẽ trang trí, Vẽ hình họa]

Ngành Thiết kế Nội thất và Thiết kế Công nghiệp:
[Toán, Văn, Vẽ mỹ thuật]; [Toán, Lý, Vẽ mỹ thuật]; [Toán, Văn, Vẽ trang trí]; [Văn, Vẽ trang trí, Vẽ hình họa]

Việc chấm điểm bài thi Vẽ sẽ dựa trên những barem chuẩn mực, và được căn cứ vào các yêu cầu cơ bản đối với một bài thi (như đã nói qua ở trên). Do đó, cách tốt nhất để đạt điểm tốt là học sinh phải hiểu đề yêu cầu những gì. Những bài thi không thực hiện đúng yêu cầu của đề sẽ bị loại đầu tiên, ví dụ: vẽ sai vật thể, vẽ sai tỷ lệ vật thể trên khuôn giấy, không thực hiện đúng yêu cầu về dạng hoa văn, màu sắc; không hoàn thành hết bài vẽ… Học sinh cũng dễ mất điểm nếu học “tủ” trên một số đề bài có sẵn mà không linh hoạt phân tích đề thi và cảm nhận thật sự về các mẫu vật.


Luyện thi vẽ như thế nào?


DH van lang ts 2015 chuan bi ky thi nang khieu 03
Hiện nay, đa phần học sinh xác định vào các trường mỹ thuật sẽ phải luyện thi vẽ trước khi bước vào kỳ thi thực sự. Cách tốt nhất để thi thành công vẫn là phải có năng khiếu và phải rèn luyện. Dù đi học luyện vẽ hay tự ôn luyện thì cũng phải vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần, với nhiều đồ vật quanh mình. Chỉ khi quen tay, quen mắt, các em mới rèn được khả năng cảm nhận mỹ thuật để thể hiện vào bài thi, chưa kể phải có người hướng dẫn chi tiết khi nào em cần nhấn, đi chì mạnh, khi nào chỉ cần phớt nhẹ… Nghĩa là nếu tự ôn luyện sẽ khó khăn và tốn thời gian hơn nhiều.

Ảnh: (Giờ học của SV ngành Thiết kế đồ họa,10/2014)

Nếu có lời khuyên cho những học sinh đang ôn luyện vẽ, thì có lẽ không phải là luyện vẽ ở đâu, theo những bộ đề nào, mà là phải ôn luyện theo nguyên lý. Ví dụ, vẽ hình họa phải học nguyên lý nhân trắc học để có thể diễn tả tỷ lệ đầu người, diễn tả được đặc điểm người già người trẻ, chứ không lệ thuộc vào một vài đề vẽ ôn sẵn. Vẽ mỹ thuật cũng vậy, phải học theo nguyên lý tương cận, sáng tối… và vận dụng vẽ thử trên nhiều dạng chất liệu khác nhau: thủy tinh, mặt gỗ, gạch đá, gốm… Đề bài chính là những đồ vật xung quanh các bạn. 

Có những yếu tố phụ mà học sinh cần lưu tâm khi vào phòng thi năng khiếu. Thứ nhất phải giữ gìn sức khỏe. Thông thường một bài thi năng khiếu sẽ kéo dài từ 4, 5 tiếng đồng hồ, thậm chí những bài thi vào các ngành chuyên sâu của mỹ thuật còn kéo dài nhiều ngày. Trong suốt quãng thời gian đó, các em phải tập trung nhìn ngắm đối tượng vẽ, dựng hình, tỉa, chỉnh sửa, đánh bóng… tốn nhiều thời gian và năng lượng. Nếu không chuẩn bị thể trạng và tinh thần tốt sẽ khó hoàn thành bài thi ưng ý. Thứ hai là dụng cụ vẽ: hãy cố gắng đem theo những dụng cụ quen thuộc với mình, từ cọ, chì, màu vẽ, thậm chí cả ghế ngồi… để đảm bảo những nét vẽ tốt nhất. Giờ thi năng khiếu vẽ rất khác với những giờ thi thông thường ở phổ thông, các em có thể tự do đi lại trong khuôn khổ nhất định, được nhìn ngắm bài vẽ của người khác, có khi được nằm xuống đất mà vẽ… đó là sự tự do mà sau này, nếu chính thức trở thành sinh viên các ngành mỹ thuật, em sẽ thấy thân thuộc.


ThS. HS. Nguyễn Đắc Thái
Phó Trưởng Khoa Mỹ thuật Công nghiệp
(Trung tâm Thông tin ghi)

Quy chế Tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 không hạn chế số lần thi các môn năng khiếu của thí sinh. Dự kiến, trường ĐH Văn Lang sẽ tổ chức các ngày thi năng khiếu không trùng với thời gian tổ chức thi của Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM, ĐH Mỹ thuật Tp.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng… Do đó, học sinh hoàn toàn có thể đăng ký thi năng khiếu vẽ tại nhiều trường ĐH, để tăng cơ hội xét tuyển cho mình.

Trường ĐH Văn Lang xét tuyển từ kết quả thi môn năng khiếu thi riêng tại Trường ĐH Văn Lang hoặc thi tại 7 trường ĐH: Kiến trúc Tp.HCM, Mỹ thuật Tp.HCM, Tôn Đức Thắng, Bách khoa Tp.HCM, Nghệ thuật Huế – ĐH Huế, Kiến trúc Hà Nội, Mỹ thuật Công nghiệp. Riêng các môn văn hóa (Toán, Văn, Lý) vẫn xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

 

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan