Workshop ngành Kiến trúc: Kỳ 3: Gìn giữ “Tâm hồn Phú Xuân”

(TT. Thông tin – Văn Lang, 22/12/2015) – “Lẽ ra, tháng 12, đợt cuối cùng team Singapore qua đây, chúng tôi sẽ làm nốt những phần việc còn dang dở từ đợt tháng 9, trong đó quan trọng nhất là xây dựng phần cấu trúc chính và gia cố móng cọc cho cầu khỉ. Song đến đây, chúng tôi nhận ra thiếu sót lớn nhất của mình chính là không làm cho người dân thực sự nghĩ, đây là công viên của họ, là điều họ từng nói nó cần thiết cho con em họ, là những phác thảo từ chính họ, là ý tưởng của họ, là công sức và tài sản của họ…”

Dự án Thiết kế cộng đồng Phú Xuân (Tâm hồn Phú Xuân)
Dự án Thiết kế cộng đồng Phú Xuân là một dự án thí điểm với tính chất phi lợi nhuận, bắt đầu từ tháng 1/2014 với workshop “Thiết kế cùng cộng đồng”. Từ đó đến nay, dự án từng bước hoàn thiện qua nhiều workshop. Dự án hướng đến các mục tiêu:
– Tiếp tục phát triển xu hướng mới, khơi nguồn cảm hứng, động lực để người dân có thể tham gia và tự tiếp tục tạo ra những thiết kế cộng đồng.
– Tạo không gian sống mới với nhiều tiện ích vui chơi, giải trí cho tất cả người dân ở xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè, Tp.HCM)
– Làm “hồi sinh” một vùng đất bỏ hoang, tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội.
– Làm tiền đề để thực hiện và cổ vũ cho các dự án vì cộng đồng sau này.
Với chung lý tưởng tạo nên một không gian cộng đồng mới, Dự án “Tâm hồn Phú Xuân” có sự tham gia của khoảng 150 giảng viên và sinh viên 3 trường đại học:
1. Trường ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore (Singapore University of Technology and Design, viết tắt là SUTD) là đơn vị chủ trì chính của dự án, với sự dẫn dắt của GS. Chong Keng Hua, TS. Tô Kiên và Cô Judy Zheng Jia.
2. Khoa Kiến trúc và Khoa Xây dựng, Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM với sự hướng dẫn của Cô Nguyễn Hương Trung và Thầy Phạm Đức Thắng.
3. Khoa Kiến trúc – Xây dựng, Trường ĐH Văn Lang cùng một số khoa (Quan hệ Công chúng & Truyền thông, Công nghệ & Quản lý Môi trường) với sự hướng dẫn của Cô Mai Lê Ngọc Hà.
 

Ý nghĩa nhân văn và thiết thực của Dự án xây dựng Công viên cộng đồng Phú Xuân được Ban chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – Xây dựng và Ban giám hiệu Trường ĐH Văn Lang nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện hỗ trợ. Hành trình “giấc mơ Phú Xuân” từ những ngày đầu đến nay được cập nhật thường xuyên trên website Trường. Đặc biệt hơn, tất cả những bài này đều do chính người tham gia dự án viết nên. Khi Dự án đã đi đến những ngày cuối, Trung tâm Thông tin xin giới thiệu bài viết của ThS. KTS. Mai Lê Ngọc Hà – một giảng viên trẻ, nhiệt huyết, người trực tiếp hướng dẫn sinh viên Văn Lang trong Dự án. Bài viết trích từ báo cáo về Workshop Thiết kế với cộng đồng (tháng 9 – 11/2015) của cô Ngọc Hà – một báo cáo giàu hình ảnh và cảm xúc.


Công viên hoạt động – Những kết quả bất ngờ: 12/9 – 26/10

DH van lang gin giu tam hon phu xuan 01Trong tuần đầu sau khi team dự án rút đi, chúng tôi thường xuyên đến thăm để xem tình hình hoạt động của công viên. Thật cảm động khi thấy trong cơn mưa tầm tã, các em vẫn chơi mê mải trên những thanh cầu. Song cũng ngay từ lúc đó, chúng tôi nhận ra những vấn đề rất lớn mà thiết kế đã không lường hết được hoặc đã tính toán trước nhưng không có được giải pháp thấu đáo vì những hạn chế về kinh phí, con người, công cụ…

Thứ nhất là tính toán không đủ về số lượng người chơi cùng lúc trên cầu cũng như tải trọng động rất lớn từ những hoạt động của các em. Chúng tôi cũng không lường hết những kiêu chạy nhảy rượt bắt rất mạo hiểm của các em trên kể cả thanh tay vịn.  

Thứ hai là nền đất quá yếu. Điều này thì ai cũng biết rõ song chúng tôi đã cố hết sức gia cố móng cọc để đợi gây quỹ đủ cho tháng 12 quay trở lại đổ bê tông chân cọc cho ổn định hơn.

Thứ ba là một số người dân hoàn toàn không có ý thức giữ gìn, bảo vệ công viên. Họ vẫn ngang nhiên đến đây đổ rác, phơi phóng, thậm chí nhổ cây đem về nhà.

Thứ tư là triều cường. Nước từ dòng sông phía sau bãi đất trống trường Lê Văn Hưu tạo thành một dòng chảy xiết và ào ạt, băng qua công viên, cuốn theo cây cỏ đất đá ra đường.

 
DH van lang gin giu tam hon phu xuan 02Người dân “vô tư” đem quần áo ra giữa công viên phơi! Bức tường xinh đẹp phía sau công viên đã bị vẽ bậy đầy!
Vì vậy mà, chỉ một tháng sau khi chúng tôi rời đi, chiếc cầu đã hư hỏng nhiều chỗ, phần bị triều xói đất làm bật cọc tràm, phần bị gãy đổ do chịu tải quá mức. Còn bức tường phía sau đã bị vẽ bậy lên đầy. 


Nhưng không phải tất cả đều tồi tệ…


DH van lang gin giu tam hon phu xuan 03Những bạn nhỏ này hàng ngày vẫn đang giúp khu công viên của chính mình bằng cách sửa chữa lại những phần hư hỏng và cột lại những nút dây bị tuột ra; thậm chí, các bạn còn tự gia cố thêm bằng các thanh tre dư mà nhóm để lại. Mặc dù sửa chữa kiểu “nghiệp dư” nhưng các em đã thể hiện ý thức rất tốt về việc biết xây dựng và bảo vệ tài sản của chính mình và cộng đồng.

DH van lang gin giu tam hon phu xuan 04Những cậu bé tình nguyện đến sửa công viên. Cậu bé áo vàng đã bỏ học 2 năm để xuống thành phố phụ mẹ kiếm tiền. Em làm việc quanh đây và đến xem các bạn chơi mỗi khi nghỉ chân nơi này. Cũng chính em là “chú bảo vệ” của công viên, báo cho chúng tôi mỗi khi có người đến đổ rác và gây hư hỏng cho công trình.

DH van lang gin giu tam hon phu xuan 05Trên bãi cỏ chúng tôi vừa trồng, ai đó đem vứt một chiếc sofa cũ rách… Cũng ngay gần đó, có ai đã lặng thầm trồng thêm những cây con này.

Khi chúng tôi cập nhật tình trạng và những vấn đề của công viên trong group làm việc toàn dự án, các bạn sinh viên Singapore rất sốt ruột. Mọi người dự định sẽ tranh thủ sang Việt Nam vào tuần cuối tháng 10. Tuy nhiên, do đang giữa học kỳ và vướng bận nhiều đồ án nên các bạn đành chờ đến tháng 12 như kế hoạch.


Quick Workshop: 27/10 – 03/11/2015

Do những sự cố phát sinh, giáo sư Chong Keng Hua cùng với vợ là một kiến trúc sư cảnh quan, đã quyết định tự túc kinh phí trở lại Việt Nam một tuần. Buổi sáng đầu tiên chúng tôi đến, cơn triều vừa rút lúc sáng sớm để lại một mặt đất sũng nước dưới những chân cọc ngả nghiêng. 

DH van lang gin giu tam hon phu xuan 06Nhiều cấu trúc đã bị gãy và dỡ bỏ.
Một trong hai cây lớn chúng tôi trồng để lấy bóng mát đã bị người dân đem đi mất.
Sofa, bàn ghế cũ đem vứt giữa sân cát, trên bãi cỏ, chiếm mất chỗ chơi của các em.
Bức tường sau lưng bị vẽ bậy khá nhiều. Rác rưởi tấp vào các góc sân. Thậm chí, hàng xóm sát bên còn đem quần áo ra giữa sân phơi,…

Dù đã nắm tình hình từ trước, chúng tôi vẫn không khỏi xót xa khi tận mắt chứng kiến tình trạng của công viên. Ngồi lại với nhau suốt một ngày bàn bạc, phân tích, chúng tôi quyết định thay đổi kế hoạch của chuyến đi này cũng như dự định tháng 12. Lẽ ra, tháng 12, đợt cuối cùng team Singapore qua đây, chúng tôi sẽ làm nốt những phần việc còn dang dở từ đợt tháng 9, trong đó quan trọng nhất là xây dựng phần cấu trúc chính và gia cố móng cọc cho cầu khỉ. Song đến đây, chúng tôi nhận ra: thiếu sót lớn nhất của mình chính là không làm cho người dân thực sự nghĩ, đây là công viên của họ, là điều họ từng nói nó cần thiết cho con em họ, là những phác thảo từ chính họ, là ý tưởng của họ, là công sức và tài sản của họ. Nếu có vấn đề gì họ chỉ báo cho chúng tôi biết chứ không hề nghĩ, mình chính là chủ nhân của công viên, cũng có quyền và nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn nó. Hơn nữa, ngay cả người lớn thì ý thức giữ gìn của họ cũng không cao. Cô hàng xóm, người phơi quần áo ở đây niềm nở nói với chúng tôi rằng cô treo đồ ngay giữa cầu để tránh lũ trẻ tới phá?!!!

DH van lang gin giu tam hon phu xuan 07Các bạn nhỏ đang giúp nhóm dọn rác trong công viênChúng tôi quyết định những việc cần làm là:
Tháng 11: dỡ những thanh cầu bị hư hỏng, đào từng hố móng lên để gia cố, dọn rác, sơn lại tường, cải tạo cảnh quan, làm thêm chỗ ngồi cho người lớn tuổi để họ có thể tới đây thường xuyên đồng thời giúp coi sóc công viên.
Tháng 12: tổ chức chuỗi hoạt động tại công viên, triển lãm toàn dự án trong suốt 2 năm qua, thu nhận phản hồi của người dân và chuyển giao cho người dân/ giảng viên, sinh viên về phương pháp Bottom-Up, thiết kế cùng cộng đồng để sau này, khi không có Singapore team, chúng ta vẫn có thể khởi xướng và tự làm những dự án ý nghĩa như vậy với cộng đồng.

DH van lang gin giu tam hon phu xuan 08Kiến trúc sư cảnh quan Kang Fong Ing muốn tạo một “rừng mưa” nhỏ (rain garden) tại đây bởi tổ hợp:
– Đem những loại cây mọc ngay khu đất phía sau ra bức tường phía trước trồng thành những lớp cây theo tầng cao: lau sậy (3m) nằm sát tường, những loài tầm trung (1-2m) nằm khoảng giữa và cuối cùng là cây bụi và hoa cỏ ở phía trước.
– Đào một hồ cạn (20-30cm) để tập trung nước khi trời mưa hay phần nào triều cường. Cố định bờ bằng đá cuội và cỏ đậu.
Toàn bộ chi phí lần cải tạo này do chính vợ chồng giáo sư Chong Keng Hua chịu. Vì phần lớn sinh viên đều đang lên bài nên chúng tôi quyết định thuê nhân công cho hầu hết hạng mục công việc.

DH van lang gin giu tam hon phu xuan 09Và đây là thành quả của Quick Workshop: cảnh quan công viên đã được cải thiện sạch, đẹp hơn !


DH van lang gin giu tam hon phu xuan 10Trong khi đó, ở Singapore, các bạn sinh viên chia thành những nhóm nhỏ đi bán quà lưu niệm gây quỹ cho dự án |trong dịp Halloween. Chiếc vòng tay “Tâm hồn Phú Xuân” do đoàn Văn Lang dành tặng cũng được SV trường SUTD mang về trường để bán gây quỹ.

DH van lang gin giu tam hon phu xuan 11
Đã gần đến những ngày cuối cùng của một dự án dài hơn 2 năm, với rất nhiều bài học kinh nghiệm, cảm xúc, với sự tham gia của khoảng 150 giảng viên và sinh viên của cả 3 trường đại học. Những điều quý giá Văn Lang team thu nhận được sẽ được các bạn chia sẻ trong những ngày tổng kết tới đây. 
Không biết nói gì hơn, chúng tôi xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐHDL Văn Lang, và mọi người đã hết sức tạo điều kiện hỗ trợ cho thầy trò khoa Kiến trúc – Xây dựng được tham gia Workshop này!

 ThS. KTS. Mai Lê Ngọc Hà
Giảng viên khoa Kiến trúc – Xây dựng

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan