Ngày nay, công nghệ gắn liền với từng hoạt động thiết yếu của đời sống, từ ở nhà đến ra đường, từ văn phòng công ty, đơn vị kinh doanh sản xuất đến các hoạt động vui chơi giải trí. Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến sự phát triển nhanh chóng như vũ bão của công nghệ. Khi công nghệ phát triển, ngành thiết kế cũng thay đổi theo xu hướng thời đại, đem đến nhiều giá trị đột phá trong lĩnh vực design và đóng góp cho xã hội.
Thời kỳ công nghệ tái định nghĩa về thiết kế/ design
Con người dần tăng cường tương tác với nhau qua các thiết bị công nghệ, cảm nhận sự thuận tiện và nhanh chóng rõ rệt so với các phương thức truyền thống. Trước đây, con người chỉ có thể trò chuyện, tiếp nhận thông tin, giao lưu buôn bán hay tận hưởng các kiệt tác nghệ thuật khi gặp mặt và tiếp xúc trực tiếp, đến nghe tận nơi, nhìn tận mắt, thì ngày nay, công nghệ đã đem cả thế giới đến với từng người chỉ qua các thiết bị nhỏ bé, mở ra vô vàn dữ liệu qua những tương tác ấn, chạm đơn giản. Quá trình tiếp cận, sử dụng công nghệ cũng hình thành thêm nhiều thói quen, hành vi mới và cả các nhu cầu mới; do đó, để đáp ứng và bắt kịp xu hướng của thời đại, công nghệ cũng vận động và thay đổi, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề, trong đó có ngành thiết kế.
Thiết kế đóng vai trò cầu nối quan trọng đưa các thông điệp truyền tải từ thiết bị công nghệ đến đối tượng mục tiêu. Muốn được xã hội chấp nhận, các thiết kế mới cần mang tính công nghệ, tạo ra trên nền tảng công nghệ, hay nói chính xác hơn, thiết kế và phát triển công nghệ đi song hành, tương tác lẫn nhau. Nhiều xu hướng đột phá của lĩnh vực design trong vòng mười năm trở lại đây hầu hết đều mang dấu ấn song hành với công nghệ, mà tiêu biểu là xu hướng Tư duy thiết kế (Design Thinking).
Không phải tự nhiên mà các “ông lớn” trong ngành công nghệ như Microsoft, Samsung hay Apple dành những đầu tư lớn cho mảng thiết kế sản phẩm, thiết kế tối ưu trải nghiệm người dùng. Nếu như chiếc iMac là niềm mơ ước thuở xưa của designer với màn hình lớn, cấu hình cao thì chiếc Window Surface Studio lại làm cộng đồng mỹ thuật dậy sóng với những tính năng hỗ trợ thiết kế đỉnh cao. Samsung cũng tham gia vào lĩnh vực này khi liên tục cho ra mắt những mẫu máy tính bảng hay điện thoại đi kèm S-pen chuyên dụng hỗ trợ người dùng thiết kế nhanh gọn.
Ở chiều hướng ngược lại, chính lĩnh vực thiết kế cũng ảnh hưởng tới phát triển công nghệ. Gần đây, animation được áp dụng nhiều trong thiết kế UI nhằm truyền tải một ý tưởng cụ thể trước khi được đưa vào sản phẩm thực. Hay phong cách 3D ngày càng được ưa chuộng và trở thành tâm điểm trong các giao diện ứng dụng hiện nay. Hình ảnh 3D sống động giúp người dùng bước vào trải nghiệm thế giới công nghệ chân thực. Năm 2020, hình minh hoạ được dự đoán là xu hướng được các nhà thiết kế ưa chuộng nhất. Các ứng dụng sử dụng hình minh họa phẳng với màu sắc tươi sáng, sống động, hiện đại, dễ dàng thu hút người dùng ở lại ứng dụng lâu hơn.
Xu hướng số hóa mọi hoạt động đặc biệt có thể thấy rõ qua giai đoạn toàn cầu trải qua dịch Covid-19 như hiện nay. Ngay cả những concert, show diễn nghệ thuật, triển lãm nổi tiếng trước đây chỉ có thể được trình diễn, trưng bày tại một số nơi đặc biệt – thì nay ai cũng có thể truy cập và thưởng thức nhanh chóng, miễn là có thiết bị kết nối internet. Hơn1/3 dân số thế giới phải Work from home qua các ứng dụng làm việc trực tuyến như Zoom, Skype, Trello, Email.., vì không thể đến được văn phòng, đảm bảo giãn cách xã hội.
Với tần suất công nghệ xuất hiện thường xuyên, len lỏi vào tất cả ngóc ngách của cuộc sống như vây, giờ đây, thiết kế có thêm một nhiệm vụ nữa là định hướng hành vi ứng xử của con người. Các trải nghiệm trên nền tảng công nghệ đều tác động lớn đến cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức và dẫn đến hành vi của mỗi người. Các designer cần phải định vị lại và mở rộng khái niệm thiết kế: thiết kế là thiết lập, kiến tạo những cái mới có ích và có thẩm mỹ cho xã hội.
Thiết kế trong thời đại công nghệ
Công việc thiết kế trong thời kỳ công nghệ diễn ra nhanh chóng và gắn liền với nhiều lĩnh vực (giáo dục, kiến trúc, thời trang, nội thất, truyền thông, đồ họa, thương mại điện tử..,), được thể hiện bằng nhiều hình thức cũng như kênh tiếp cận khác nhau (AR, VR, hình ảnh 3D, app trên điện thoại, trò chơi điện tử, thiết bị ATM, biển báo ngoài trời, trang web mua sắm, ứng dụng học tập và làm việc online…)
Thiết kế app, thiết kế giao diện cho các phần mềm, ứng dụng trên mobile đã trở thành một xu hướng mới trong kỷ nguyên 4.0, nơi mà thiết bị di động có thể thực hiện hầu hết mọi thứ, từ giải trí, tới công việc và giao tiếp. Một trong những cách khác hỗ trợ cho công việc thiết kế ứng dụng là sử dụng những công cụ chuyên biệt với công nghệ hiện đại, không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tạo nên sự khác biệt, chỉn chu cho sản phẩm được tạo ra so với phương pháp truyền thống.
Interaction Design – thiết kế tương tác cũng là một xu hướng nổi bật được ứng dụng nhiều trong thiết kế website, tạo nên trải nghiệm độc đáo cho người dùng. Tương tác trên giao diện web hay app cũng giống như một người kể chuyện. Designer trở thành người tạo ra những câu chuyện đủ để kích thích trí tò mò, đủ tương tác để kéo người nghe tham gia vào câu chuyện của mình, khám phá sản phẩm và thế giới mỹ thuật của mình.
Một số từ khóa về công cụ công nghệ đang trở nên quen thuộc với cộng đồng designer như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR),… Nhiều thương hiệu lớn đã áp dụng AR vào các ứng dụng và nghiêm túc suy nghĩ về cách tiếp cận người dùng bằng tương tác thực tế mới.
Với VR, hầu hết công nghệ này được sử dụng chủ yếu cho ngành công nghiệp trò chơi, nhưng cũng mang đến cho các nhà thiết kế nhiều trải nghiệm đa chiều để thực hiện công việc hiệu quả. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn đang phát triển bộ dụng cụ và ứng dụng VR, sử dụng công nghệ này theo những cách mới nhất và hữu ích như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, du lịch, bất động sản, kiến trúc,…
Có thể thấy ứng dụng công nghệ vào thiết kế mỹ thuật không chỉ còn là xu thế mà đã là tất yếu, tạo nên những sản phẩm có tính tương tác cao, gia tăng lợi thế cho các sản phẩm thiết kế và tác động tích cực đến sự phát triển xã hội.
Giới thiết kế Việt Nam đang đón nhận khá tích cực với các cơ hội mới đến từ CMCN 4.0, tạo nên những sáng tạo mới, bắt kịp xu thế thời đại nhưng không làm mất đi nét đặc trưng, bản sắc truyền thống. Tại Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang, vài năm trở lại đây, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế với các cường quốc thiết kế như Hàn Quốc, sinh viên được thực hành nhiều kỹ năng trong thiết kế ứng dụng công nghệ. Các ngành Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Nội thất và đặc biệt là Thiết kế Công nghiệp (Thiết kế Sản phẩm) của Văn Lang hiện đều thể hiện sự phát triển vượt trội về cách tiếp cận xu hướng design mới qua các sản phẩm của sinh viên, giảng viên.
Trên cơ sở hợp tác với các đối tác quốc tế, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Văn Lang liên tục tổ chức các hội thảo, triển lãm chuyên môn về thiết kế, tạo cơ hội tiếp cận, học hỏi rất tốt cho các designer. Năm 2020, Văn Lang kết hợp với Đại học Handong (Hàn Quốc) tổ chức Triển lãm giao lưu Mỹ thuật & Thiết kế quốc tế ICAD – triển lãm design quốc tế lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
ICAD 2020 không chỉ là một triển lãm về Art và Design đơn thuần, mà còn giới thiệu được những xu hướng thiết kế ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến: sản phẩm thiết kế tương tác người dùng, hologram, công nghệ AI, công nghệ in 3D, thiết kế app trên điện thoại,… Đặc biệt, lần đầu tiên một triển lãm art và design sẽ được tổ chức bằng hình thức online, đem đến nhiều trải nghiệm và cảm xúc mới mẻ cho người tham quan. Không giới hạn về địa lý, khoảng cách, địa điểm, gần 400 tác phẩm nghệ thuật chất lượng chuyên môn cao và tác phẩm design mới lạ sẽ được tiếp cận với công chúng.
Chỉ cần truy cập website, bất cứ ai cũng có thể “tham quan” triển lãm, tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến về các tác phẩm mình quan tâm.
0 giờ ngày 12/5/2020, website chính thức của ICAD 2020 được public, sẵn sàng tiếp đón khách tham quan. Đường link truy cận: https://icad.vanlanguni.edu.vn
Lê My