(TT. Thông tin – Văn Lang, 17/01/2015) – Vào học kỳ 3, sinh viên ngành Quan hệ Công chúng Trường ĐH Văn Lang học chuyên đề “Các thể loại báo chí”. Đối với nhiều SV, thành quả của môn học này là những tác phẩm báo chí đầu tay – cuộc chạm ngõ giúp SV cảm nhận thực tế nghề nghiệp.
TT. Thông tin giới thiệu một số phóng sự mà SV Quan hệ Công chúng (PR) đã thực hiện trong học kỳ vừa qua. Phóng sự sau đây là của Đỗ Song Bách Khoa, sinh viên năm 2 ngành Quan hệ Công chúng.
Cuộc đời con người tươi đẹp khi người ta biết lao động chân chính. Có trăm ngàn cách để con người tạo ra đồng tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Ở thời nào sự cần cù lao động cũng được tôn vinh. Có những công việc phi thường, nhưng cũng có những công việc tưởng tầm thường, thầm lặng, như những công nhân vệ sinh hằng đêm xào xạc tiếng chổi tre dưới bóng đèn đường, những chú xe ôm nghĩa hiệp bắt cướp không cần kể công, những người mẹ tần tảo với gánh xôi nuôi lớn đàn con…
Có một công việc cũng nhỏ bé như vậy, nó gắn liền với bao que kem đổi từ vỏ chai thủy tinh cho những” cô đồng nát” của lũ trẻ trong đó có tôi. Thật may mắn cho tôi khi ở trong một thành phố ồn ào, xô bồ như thế này vẫn được nghe những tiếng rao “Ai… ve chai bán không?…” hằng ngày.
Công việc vất vả mà vui

Bữa trưa của những người phụ nữ tần tảo này khiêm tốn thôi, nhiều khi chỉ là miếng đậu phụ trắng ăn với cơm và xì dầu. Có bữa “sang” hơn chút thì là hộp cơm sườn bình dân. Mỗi buổi trưa nắng ghé vào những hẻm nhỏ có bóng mát để nghỉ, hai ba chị em cùng trải chiếu ngồi ăn trưa với nhau. Những con người ban đầu cũng không ai quen biết ai nhưng dần đồng cảnh ngộ tha hương, họ bỗng trở thành một phần của nhau, san sẻ cho nhau niềm vui nỗi buồn, nụ cười và cả những giọt nước mắt. Họ cùng nhau kể về những ngày tháng con gái xuân xanh, những câu chuyện chồng con của mình ở ngoài quê cày ruộng…
Những người phụ nữ xa quê

Các cô các chị đến từ Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa… Vất vả khó khăn mới kiếm được đồng tiền, thế nên được bao nhiêu các chị các cô gói ghém gửi về quê cho gia đình hết thảy. Có lẽ niềm vui nhỏ bé mà những người phụ nữ này có được là từ những cú điện thoại đường dài về quê. Có hôm, đang học bài trong phòng trọ, tôi thắc mắc không biết ai khóc ở phòng kế bên. Hóa ra là câu chuyện của chị Tuyết buôn ve chai với cậu con trai lớn 12 tuổi đang học lớp 6 ở Vĩnh Phúc. Chỉ đơn giản “A lô, mẹ à”…, thế là chị khóc. Nhưng sau khi nói chuyện với con, chị vui lên rất nhiều. Chiều hôm đó, tôi còn được chị cho mấy quả mận Hà Nội
Vui buồn cùng nghề “ve chai”
Nghề mua ve chai xuất hiện cũng là một hình thức giải quyết các vấn đề của đời sống thường nhật, từ nhu cầu thu gom và tái chế phế liệu. Nó cũng giải quyết được phần nào vấn đề việc làm cho người nông dân bị tác động bởi quá trình đô thị hóa, giúp họ có thêm thu nhập chăm lo cho gia đình.

Ảnh: Bách Khoa – SV năm 2 ngành PR – phỏng vấn nhân vật để thực hiện phóng sự.Công việc nào cũng có thú vị riêng, không có công việc nào nhàm chán nếu thực sự yêu nó. Chuyện nghề buôn ve chai cũng có lắm điều để kể. Các cô cho hay, người bán ve chai cũng có người này người khác. “Có những người bán vô cùng nhiệt tình và lịch sự. Họ gọi mình vào nhà rồi cho mình phế liệu luôn chứ không bán” – chị Tuyết mỉm cười kể lại.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, như cô Thanh (ngoại thành Hà Nội) vào Sài Gòn buôn ve chai được 3 năm, gặp không ít những trường hợp người bán ve chai “trời ơi đất hỡi”. Cô chia sẻ: “Nói chung là cũng có người xấu người tốt, có những người người ta coi thường mình lắm cháu ạ. Mình mới đi ngang qua nhà họ, rao lên một tiếng là người ta liếc háy, rồi xua đuổi mình ghê lắm… Nhiều người cứ nghĩ bọn cô mua ve chai rồi mua gian bán lận, nhưng thật sự bọn cô làm là chỉ biết làm thôi, bọn cô làm ăn chân chính không lấy cắp của ai cái gì… nên cũng chẳng phải sợ gì cả”.
Nghề buôn ve chai cũng có những lúc bấp bênh. Nhất là vào các tháng 8,9,10, thời tiết Sài Gòn sáng nắng chiều mưa, phải dầm mưa đã đành, lại còn sợ không mua đủ “ve chai”. Những lúc như vậy, gia đình ở quê nhà là động lực lớn nhất giúp các cô cảm thấy được an ủi.
Trăn trở vé Tết về quê
Có một tấm vé để về quê ăn Tết là hạnh phúc lớn với những người ở miển Bắc, miền Trung vào Nam làm việc. Cách biệt địa lý làm cho phút sum họp cuối năm càng đáng quý. Giá vé Tết từ ga Sài Gòn đến ga Hà Nội khoảng từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng /vé từ ngày 15 đến 20 tháng chạp âm lịch. Còn nếu là những ngày cận kề giao thừa, nhà ga hết vé, phải mua từ “cò vé” thì từ 2.000.000 – 2.500.000 đồng/vé là chuyện thường. Để có tiền mua vé, những tháng cuối năm, các cô thường đạp xe đi xa hơn khu vực mình sống để mua được nhiều hơn, bán được nhiều hơn. Các cô cho biết đây là khoản chi lớn nhất phải bỏ ra trong năm.
Thế nhưng không phải ai cũng có được tấm vé Tết về quê. Tôi thương cô Hoa (Ba Vì – Hà Nội), năm ngoái là năm đầu tiên cô vào Sài Gòn buôn ve chai nên chưa tích góp đủ tiền, phải đón giao thừa một mình tại căn phòng trọ nhỏ trên đường Phan Xích Long (Phú Nhuận). Có được tấm vé về quê đồng nghĩa với việc các cô phải đạp xe đi xa hơn, những tiếng rao phải to hơn để vang hơn, mồ hôi phải đổ nhiều hơn…
Nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi con người cố gắng. Hãy để những vòng xe đạp hằng ngày lăn đều trên những cung đường của thành phố này, những giọt mồ hôi ướt đẫm sau chiếc khăn che mặt của những người phụ nữ thu gom ve chai chứng tỏ nghị lực làm việc phi thường của họ – đó là lao động chân chính vì những người thân yêu ở quê nhà.
Đỗ Song Bách Khoa
SV năm 2 ngành Quan hệ Cóng chúng