(TT. Thông tin – Văn Lang, 28/10/2013) – Từ ngày 13 đến ngày 16/10/2013, khoa Mỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức cho sinh viên năm ba ngành Thiết kế Thời trang tham quan thực tế tại Lâm Đồng. Một thành viên của đoàn đã chia sẻ tâm trạng háo hức và niềm vui trong chuyến hành trình của mình.
Tiếng cười đùa rộn ràng của thầy trò ngành Thiết kế Thời trang, khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường ĐH Văn Lang chào đón buổi sớm mai yên ả khi đoàn đặt chân đến Bảo Lâm. Trước hết, chúng tôi đến tham quan xưởng sản xuất và xử lý kén – công việc đầu tiên trong quy trình tạo ra tấm vải tơ tằm. Tại đây, chúng tôi biết được việc gia công, kéo từng sợi tơ mảnh từ kén tằm để tạo nên những cuộn tơ mượt dệt lụa. Người ta đun sôi kén trong nồi hoặc chảo miệng rộng; đảo liên tục cho đến khi kén nổi lên mặt nước, khi đó keo tơ secirine của kén tan chảy một phần; kén mềm, và người ta sẽ dễ dàng tìm mối tơ để rút lấy sợi; sợi được guồng vào những con suốt trông như ống chỉ; xếp suốt thành hàng ngang và nối cho những sợi tơ chạy từ suốt sang những guồng tơ tròn. Ươm tơ là vậy đó!
Kén có màu trắng ngà đẹp mắt. Sau quá trình ươm tơ cho ra những cuộn tơ óng ả.
Tiếp nối hành trình, chúng tôi đến thăm xưởng dệt Nam Đô – đây là xưởng dệt có quy mô lớn nằm ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Sau khi tiếp nhận hệ thống máy móc, nhà xưởng từ Công ty dâu tơ tằm Việt Nam, Nam Đô đã cải tiến trang thiết bị theo chuẩn Nhật Bản, Hàn Quốc để nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm. Nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhân công giàu kinh nghiệm kết hợp với hệ thống sản xuất khép kín, hiện đại là những yếu tố giúp Nam Đô tạo ra sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng.
Sau khi tham quan, chúng tôi càng cảm thấy yêu quý, thích thú những tấm lụa tơ tằm mềm mại, óng ả, sang trọng vì đó là sản phẩm của một quy trình tỉ mẩn, kỳ công. Những ống tơ, nén tơ sau khi guồng, tùy vào cách xử lý, cách xoắn sợi, chất lượng sợi sẽ được phân loại, sử dụng để dệt nên những kiểu vải lụa tơ tằm khác nhau, theo một số kích thước nhất định.
(Ảnh: Ở xưởng dệt Nam Đô, quá trình se sợi được thực hiện bằng hệ thống máy móc hiện đại).
Sau đó, chúng tôi được tận mắt xem cách dệt vải thổ cẩm khi đến với Cơ sở dạy nghề dệt thổ cẩm K’long. Học viên của cơ sở này chủ yếu là thanh thiếu niên người dân tộc K’ho có hoàn cảnh khó khăn. Các em được hỗ trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt.
Những đôi tay thạo nghề lướt thoăn thoắt trên khung cửi, các em không quên vừa làm vừa giải thích cho chúng tôi về cách tạo hoa văn, xen kẽ đường chỉ màu trên thân vải. Những tấm vải được dệt hoàn toàn thủ công, khổ vải có thể linh động điều chỉnh tùy theo nhu cầu sử dụng – đó là sự khác biệt so với những tấm vải được dệt bằng máy móc hiện đại.
Gian trưng bày sản phẩm của cơ sở dạy nghề này khá bắt mắt và đa dạng: váy áo, khăn choàng, túi xách, ví cầm tay,…
Khi ra về, chúng tôi được một cô thợ dệt tặng cho những mảnh thổ cẩm nhỏ, như một món quà và như một tư liệu thực tế. Phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay, chúng tôi mới nhận ra giá trị đích thực của những tấm vải thổ cẩm nhiều màu sắc và thô ráp này – đó là giá trị tinh thần, giá trị lao động và cả tâm huyết của người thợ dệt gửi vào tấm vải.
Thật may mắn khi vào những giờ phút cuối của ngày đầu tiên, chúng tôi được tham gia lễ hội của người K’ho ở thành phố Đà Lạt. Những món ăn ngon miệng, những điệu múa đẹp mắt, ngọn lửa bập bùng, sự giao lưu vui vẻ khiến tâm trạng của chúng tôi trở nên phấn khích. Chúng tôi chờ đợi buổi sáng tiếp theo sẽ tiếp nối những niềm vui của ngày đầu tiên.
Không ngoài mong đợi, chuyến tham quan Đà Lạt sử quán XQ trong ngày thứ hai đã khơi dậy sự tò mò, thích thú của chúng tôi. Những bức tranh thêu khổ lớn, cách thêu tỉ mỉ, chỉ thêu đặc trưng – tất cả đã tạo nên những kiệt tác thực sự. Bên cạnh không gian làm việc là không gian trưng bày của XQ. Không gian ấy khiến những bức hình lưu niệm của chúng tôi lung linh hơn.
Kết thúc chuyến đi, ngoài những bài học thực tế gắn liền với ngành Thiết kế Thời trang, chúng tôi còn cảm thấy yêu hơn thầy cô, bạn bè mình và đặc biệt, chúng tôi đã nhận ra nét đẹp văn hóa trong sản phẩm thời trang, từ đó, hiểu nghề và yêu nghề sâu sắc hơn. Chúng tôi sẽ nhớ về chuyến tham quan thực tế này như một kỷ niệm đẹp của đời sinh viên. Xin cảm ơn trường và khoa đã tạo điều kiện cho chúng tôi được giao lưu, học tập trong môi trường cởi mở như vậy. Sau chuyến đi, chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng, và tự cổ vũ bản thân cố gắng hơn nữa để học tập tốt hơn.
Thanh Hảo