(TT. Thông tin – Văn Lang, 05/7/2013) – Tuần qua, SV năm tư ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Mỹ thuật công nghiệp rộn ràng bảo vệ và trưng bày đồ án khóa luận tốt nghiệp tại họa thất lầu 7 – Cơ sở 2 trường ĐH Văn Lang.
“Hướng đi riêng”, đối với một người trẻ, đặc biệt với một người trẻ quyết định sẽ làm nghệ thuật, là điều quan trọng nếu không muốn nói là vô cùng quan trọng. Tích cực suy nghĩ để tìm hướng đi riêng là điểm khởi đầu để một họa sĩ thiết kế xác định phong cách cho những tác phẩm của mình. Hướng đi riêng ấy thể hiện trong loạt đồ án khóa 15 năm nay ở đề tài, ở cách tiếp cận và xử lý đề tài bằng phương án thiết kế mang dấu ấn cá nhân, và ở sự thống nhất trong thiết kế của sinh viên từ những đồ án chuyên đề đến đồ án tốt nghiệp.
Bộ poster quảng bá sách “Sói” của Vũ Thị Thanh Hiền
Có những đồ án cho thấy sự chuyên nghiệp của một họa sĩ thiết kế tương lai, như đồ án “Minh họa và layout sách: Sói” của SV Vũ Thị Thanh Hiền. Toàn bộ hệ thống sản phẩm của Thanh Hiền toát lên sự chỉn chu thống nhất, sự gọn gàng tỉ mỉ của một người hiểu công việc mình đang làm. Cách vẽ chì đen trắng cho hình ảnh của sản phẩm từ poster đến sách ảnh, đến các sản phẩm phụ, là một xử lý thông minh, làm bật lên được sự sắc lạnh, sự giản đơn đầy sức tập trung của ý tưởng thiết kế, và nâng đỡ nội dung tác phẩm.
Lại có những đồ án tỉ mỉ theo cách rất “sinh viên”, như đồ án của SV Đoàn Thị Kim Ngân: Hành trình phù sa – Quảng bá du lịch miền Tây Nam bộ. Sản phẩm chính của đồ án là một clip dài hơn 4 phút, giới thiệu trọn vẹn hành trình du lịch miền Tây bằng hình ảnh. Điểm đặc biệt là, để làm ra clip ngắn này, SV phải ghép từ hơn 2500 bức ảnh theo kỹ thuật stop motion. Mỗi bức ảnh được Ngân chụp lại từ 4 mô hình xoay trên đó dựng lại hình ảnh đường sá, nhà cửa, cây cối, sông rạch… của thiên nhiên miền Tây, mà bạn cắt ra từ hình ảnh vẽ tay. Một công trình quá sức công phu và tỉ mỉ, nhưng là hướng đi đầy cá tính, “không đụng hàng” với bất kỳ đồ án nào.
Đoàn Thị Kim Ngân bên gian trưng bày thành quả đồ án “Hành trình phù sa”.(ảnh trái)
TS. Nguyễn Thanh Long ((Phó trưởng Khoa Mỹ thuật ứng dụng trường ĐH Mỹ thuật Tp.HCM) chúc mừng Thanh Tú với đồ án “Tôi yêu Sài Gòn” ấn tượng.(ảnh phải)
Cũng chọn sản phẩm chính là một clip, nhưng hướng đi của SV Bùi Phạm Thanh Tú trong đồ án “Chương trình truyền thông Tôi yêu Sài Gòn” lại rất khác. Ngay cách Tú chọn Sài Gòn như một xuất phát điểm cho đồ án đã cho thấy một hướng đi: Sài Gòn như một thuộc tính để nói về mảnh đất Tp.HCM, Sài Gòn như một tiếng gọi thân thương của những người sống ở Tp.HCM, đang trở thành đề tài của rất nhiều sách, báo, clip, bài hát… và lan truyền như một hơi ấm trong giới trẻ thành phố. Tú chọn cách giới thiệu về Sài Gòn hơi “ông già”, lần tìm về lịch sử mảnh đất, về tự nhiên, địa lý, văn hóa…,nhưng trong từng hình ảnh đồ họa của clip, có thể thấy sự tinh nghịch, dí dỏm của một người trẻ lắng nghe hơi thở đời sống Sài Gòn.
Ngay cả khi chọn những mảng đề tài tương tự nhau, thì cách thể hiện của từng SV năm nay cũng khá đa dạng. Nhiều đồ án minh họa sách và làm sách ảnh, có sản phẩm nổi bật, có sản phẩm chưa nhỉnh bằng, nhưng nhìn chung, đã tạo nên một không gian đa sắc thú vị. Ấn tượng nhất có lẽ là những minh họa sách “Mắt biếc – Nguyễn Nhật Ánh” của SV Đặng Thị Yến Thu với nét vẽ ngây thơ, ngọt ngào, bay bổng; minh họa sách “Tabilo” của SV Phạm Hữu Trang, nét vẽ cứng cáp mà ngộ nghĩnh, hay minh họa sách hướng dẫn làm bánh cupcake của SV Lê Anh Chi với cách tạo hình nhân vật sống động, đặc trưng. Có thể nói, kỹ thuật vẽ tay là điểm mạnh nổi bật của khóa 15 ngành Thiết kế đồ họa. Với nhiều đồ án minh họa sách tốt, năm nay, Khoa MTCN mời các nhà xuất bản đến tham quan triển lãm, và tập hợp các minh họa sách của sinh viên giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu.
Đồ án minh họa sách “Mắt biếc” của SV Đặng Thị Yến Thu, nhẹ nhàng, ngọt ngào từ không gian triển lãm đến tạo hình từng nhân vật, phù hợp với nội dung tác phẩm
Lê Anh Chi bảo vệ đồ án minh họa sách hướng dẫn làm bánh cupcake (ngày 1/7/2013). Đề tài được đánh giá cao bởi cách tạo hình nhân vật ngộ nghĩnh, có nét đặc trưng, thổi hồn cho thể loại sách hướng dẫn nấu ăn vốn không được đầu tư thiết kế và không có nhân vật.
Phạm Hữu Trang và sản phẩm minh họa truyện tranh “Chú bé Tabilo ở làng khỏe mạnh”. Xem sách của Trang, hình như chỉ có thể thốt lên “Sao mà dễ thương quá!”
Một hướng đi mới trong loạt đồ án đồ họa tốt nghiệp năm nay là thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu game: SV Trương Bảo Long với “Thiết kế game Flowers Defend” và SV Võ Huỳnh Giao với thiết kế game cho Ipad “Đảo quốc trái cây”. Các thiết kế tiện dụng, có thể ứng dụng để chơi ngay, hình thức dễ thương, tạo được thiện cảm cho người dùng.
Sản phẩm quảng bá game “Đảo quốc Trái cây” dành cho Ipad của SV. Võ Huỳnh Giao, dễ thương, bắt mắt. Thiết kế hệ thống đồ họa cho game là một địa hạt tiềm năng dành cho SV Thiết kế đồ họa.(ảnh trái)
Đồ án Áo thun tuyên truyền bảo vệ sinh vật biển của SV Đặng Thị Ngọc Hiền, với rất nhiều sản phẩm phụ đi kèm: vỏ bọc Iphone, thiệp, túi, móc khóa… Cách xử lý đồ họa của SV không giản đơn, nhưng thông điệp rất dễ hiểu. Đây có thể coi là thành công của đồ án.(ảnh phải)
Đồ án game “Flowers Combat” của SV. Trương Bảo Long – một trong những thiết kế được đánh giá xuất sắc trong đợt bảo vệ năm 2013 (ảnh trái). SV. Nguyễn Bảo Uyên khá thông minh khi xử lý bao bì nhận diện thương hiệu nước hoa sáp Granpa Garden thành dạng kim tự tháp quyến rũ, bí ẩn (phải)
Hướng đi phổ biến khi chọn đề tài nhiều năm là dùng hệ thống đồ họa quảng bá sản phẩm truyền thống, sản phẩm địa phương. Năm nay, có SV Trần Thị Thanh Tuyền chọn phát triển thương hiệu kẹo dừa Thanh Tuyền.
Ảnh: SV Nguyễn Thị Quỳnh Anh chọn một hướng đi khác, ứng dụng đồ họa chữ (typo) lên sản phẩm. Cũng lấy cảm hứng từ Sài Gòn, nhưng Quỳnh Anh chạm vào mảng kiến trúc cổ của thành phố để ứng dụng các kiểu đồ họa chữ, khá ấn tượng.
Bài: Nguyễn Thị Mến
Ảnh: Nguyên, Kim Ngân