Sáng ngày 19/9/2019, Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang tổ chức Giao lưu Văn học tại phòng Khánh tiết Cơ sở 3 (69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM), với sự tham gia của hơn 30 nhà văn, nhà thơ, nhà báo và nhà giáo xuất thân từ khóa 12 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
(P.TS&TT – Văn Lang, 25/9/2019) – Sáng ngày 19/9/2019, Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Văn Lang tổ chức Giao lưu Văn học tại phòng Khánh tiết Cơ sở 3(69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM), với sự tham gia của hơn 30 nhà văn, nhà thơ, nhà báo và nhà giáo xuất thân từ khóa 12 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Buổi giao lưu nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang. Ông Bùi Quang Độ – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, TS. Nguyễn Đắc Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Nhà báo Dương Trọng Dật – Giám đốc Viện Đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật & Truyền thông (nguyên là Tổng biên tập Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải phóng), PGS. TS. Đặng Ngọc Lệ – Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn, TS. Hồ Quốc Hùng – Phó trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn (Trưởng bộ môn Văn học Ứng dụng) Trường Đại học Văn Lang đã tham dự sự kiện và dẫn dắt sinh viên Văn học ứng dụng giao lưu cùng các tiền bối trong nghề.
Khách mời tham dự giao lưu đều là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo và nhà giáo đã trải qua những năm tháng đấu tranh của đất nước trong thời kỳ chống Mỹ, có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của Văn học Việt Nam trong thời kỳ khó khăn đó.
Qua những chia sẻ truyền lửa đam mê của thế hệ tiền bối, sinh viên ngành Văn học Ứng dụng Trường Đại học Văn Lang bắt đầu nêu những khó khăn và trăn trở về cách học, cách đọc hay con đường sau khi ra trường,… nhiều câu hỏi hay và thú vị. Từng thắc mắc đều được các khách mời tham dự buổi giao lưu lắng nghe và giải đáp cụ thể, để mỗi sinh viên có thể rút ra cho mình những lời khuyên bổ ích và định hướng bản thân trong tương lai.
Đại tá Nguyễn Thị Hồng – nguyên Trưởng ban Công tác nữ Quân đội Nhân dân Việt Nam (thứ 2 từ trái sang) cũng chia sẻ: “Chúng tôi sinh ra trong thời đánh Mỹ, mang trong mình khát vọng của tuổi trẻ và văn chương. Chúng tôi vừa ra trường đã dấn thân ngay vào vòng xoay của xã hội đương thời, của chiến tranh, cũng vì vậy mà trau dồi thêm nhiều kiến thức thực tiễn và mài dũa kinh nghiệm trong chính cuộc chiến năm ấy. Vậy nên, các bạn hãy cứ học đi, hãy cứ theo đuổi đam mê và hãy sống đi, phần còn lại cứ để cuộc đời tạo nên thành công cho các bạn”.
Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng – Cô Vũ Thị Hợp (ngoài cùng bên trái) tiếp lời: “Các bạn là những người học văn, nên hãy yêu văn học, hãy yêu quý con người. Khi các bạn biết yêu và được yêu, đó cũng là một sự thành công của bản thân mình.”
Tại buổi giao lưu, Nhà báo Lê Tấn Cứ – nguyên Giám đốc kênh VTV5 – Đài Truyền hình Việt Nam (thứ 3 từ trái sang) xúc động chia sẻ những trải nghiệm của tuổi trẻ khi theo đuổi con đường văn chương và hành trình vượt qua những khó khăn thời chiến: “Tuổi trẻ của chúng tôi cũng từng rất mơ hồ khi đặt chân vào ngôi trường Đại học Tổng Hợp. Vào lúc ấy, chúng tôi cũng từng đặt ra những câu hỏi rằng học văn học sau này ra trường làm gì? Tôi tin rằng cho đến bây giờ các bạn cũng có những câu hỏi ấy. Nhưng tôi khẳng định rằng, học văn học có thể làm rất nhiều việc khác nhau, học văn học chính là học làm người, để từ đó lấy được vốn sống cho chính bản thân mình. Cho đến bây giờ điều làm tôi xúc động nhất chính là sau ngần năm chúng tôi vẫn nhớ về nhau. Chúng tôi gặp nhau 45 năm trước trên chiến trường và 45 năm sau chúng tôi lại gặp lại nhau tại Trường Đại học Văn Lang.”
Một câu hỏi rất hay khác đến từ sinh viên khóa 2 ngành Văn học ứng dụng về thực trạng suy thoái của nghề viết trong xã hội 4.0. TS. Hồ Quốc Hùng chia sẻ quan điểm: “Với thực trạng xã hội hiện nay, còn nhiều lắm những câu chuyện nhiễu nhương và bi hài đủ mọi thể loại xoay quanh nghề viết này. Vì vậy, để trở thành một cây bút có đủ bản lĩnh, đủ khả năng viết về những vấn đề của xã hội, của con người, thì bản thân người cầm bút phải cân bằng được hai thứ chính yếu nhất: trang bị cho mình một nền tảng tri thức vững chắc và đi vào thực tế, trải nghiệm xem người ta sống, người ta làm và người ta đã vấp ngã rồi đứng lên như thế nào, để mà học hỏi, tự mình trải nghiệm, để có thể tạo nên nội lực cho con chữ bằng chính những trải nghiệm thực tế của bản thân”.
Bên cạnh những chia sẻ chân thực về cuộc đời và hành trình của bản thân, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng truyền cho sinh viên Ngành Văn học Ứng dụng những kinh nghiệm làm nghề và nhiệt huyết văn chương còn sống mãi trong lòng, giúp mỗi sinh viên thêm vững tin vào con đường học tập tại Trường Đại học Văn Lang.
Kết lại buổi Giao lưu, Nhà báo Dương Trọng Dật căn dặn sinh viên: “Dù sau này lớp các bạn có giống như lớp chúng tôi ngày hôm nay hay không, nhưng các bạn hãy nhớ điều quan trọng nhất, mục đích cao nhất của một con người yêu văn chính là phải sống một cách nhân văn, sống một cách tình người. Tôi mong rằng sau này khi các bạn bước ra khỏi mái trường Văn Lang, có thể thẳng lưng mà bước, ngẩng cao đầu mà bay, có thể vững bước mà sải cánh vút bay cùng cánh chim Lạc Văn Lang”.
Nguyễn Trung Nghĩa, sinh viên khóa 1 Ngành Văn học Ứng dụng
Ảnh: Lee Minh Phương