Năm ba, chương trình học phần lớn là kiến thức chuyên ngành. Bạn sẽ học sâu về nghề nghiệp của mình, và rèn luyện phong cách làm việc chuyên nghiệp. Trong năm ba, bạn sẽ học và thi các chứng chỉ nghề nghiệp nhằm tăng giá trị cho hồ sơ xin việc sau này. Làm thêm, hoạt động ngoại khoá, tham dự các đợt tuyển dụng… là những kinh nghiệm quý giá cho bạn.
Học chuyên ngành
Môn học Gestion des destinations touristiques – Quản trị điểm đến, cung cấp cho SV những khái niệm cơ bản về Quản trị và Marketing một điểm đến du lịch; cách thiết lập và duy trì mối quan hệ với các đối tượng liên quan bao gồm đơn vị quản lý, nhà điều hành tour và người dân địa phương; phương thức phát triển các sản phẩm du lịch tại điểm đến. Mỗi nhóm SV chọn 3 điểm đến với quy mô khác nhau và làm 3 bài tập; đưa ra căn cứ nhận diện những điểm mạnh, yếu của du lịch Việt, từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ, phát triển.
Kiến tập
Kiến tập là một phần quan trọng trong quá trình đào tạo, giúp người học tiếp cận môi trường làm việc thực, có cơ hội quan sát, thử sức, hiểu được yêu cầu của nghề nghiệp. Đây là cơ hội để bạn “kiến” (quan sát) và “tập” làm những việc cụ thể trong nghề.
“…Kiến tập ở tòa soạn báo, mình nhận thấy kiến thức của mình được trang bị nhiều, nhưng để hoàn thành công việc, mình rất cần sự chỉ dẫn cụ thể. Mình hiểu thêm khoảng cách khá lớn giữa thực tế và lý thuyết mà muốn thành công không có con đường nào khác là học hỏi và quan sát, luyện tập. Mình học được tính chuyên nghiệp trong công việc, sự tinh tế khéo léo trong giao tiếp, sự nghiêm túc trong giờ giấc, trang phục…
Huỳnh Văn Được và nhóm bạn năm ba ngành Quan hệ Công chúng
Hội thảo Tuyển dụng
“Trả lời thế nào nếu nhà tuyển dụng hỏi về lương? Nếu bạn trả lời là tùy vào doanh nghiệp thì sẽ biến mình thành người thiếu tự tin. Hãy nhớ rằng khi đi làm bạn đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Đừng nghĩ rằng không có kinh nghiệm là điểm yếu. Với chúng tôi, không có kinh nghiệm là điểm mạnh, chính vì không có kinh nghiệm các bạn mới học hỏi, mới tiến bộ và nâng cao trình độ, giúp ích cho công ty. Các bạn trẻ, thiếu kinh nghiệm chính là điểm mạnh của các bạn. Chính vì thế, bạn có quyền yêu cầu doanh nghiệp đưa ra mức lương xứng đáng. Các bạn nên tìm hiểu bao nhiêu là phù hợp, liên lạc với người có kinh nghiệm, tìm kiếm, tham khảo… Nên sẵn sàng câu trả lời bởi đây là điều tất yếu hai bên cần thống nhất với nhau.”
Ông Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc điều hành Brainmark Consulting anh Training
Hội thảo “Tạo ấn tượng trước nhà tuyển dụng” khoa Mỹ thuật công nghiệp phối hợp cùng BMG International Education tổ chức, 10/12/2010, hội trường C001 cơ sở 2.
Làm thêm
Năm ba, quen với cách học, sắp xếp được thời gian và bắt đầu định hướng đi làm, tìm việc làm thêm là lựa chọn của nhiều bạn. Bạn có thể đăng ký làm thêm ngay trong trường: trực Thư viện; chụp ảnh, viết bài cho website; dẫn chương trình; trực thang máy; phục vụ tại căn-tin… hoặc tìm việc thời vụ bên ngoài. SV làm thêm trong trường nhận lương theo giờ làm việc, 19.000đ/giờ. Làm thêm giúp bạn trưởng thành hơn, cả về nhận thức lẫn khả năng quản lý tài chính cá nhân.
Chứng chỉ LCCI
Trường ĐH Văn Lang hợp tác với tổ chức LCCI (Phòng Thương mại & Công nghiệp Luân Đôn, Anh) đào tạo và cấp Diploma hoặc Certificate Kế toán quốc tế.
“SV học LCCI khi ra trường đều đạt yêu cầu tuyển dụng của những công ty lớn như KPMG, Ernst & Young, PWC, DTL, Glaxo Smith Kline, Eastern, Daelim,… Nhiều SV được tuyển đi thực tập bởi các công ty kiểm toán Malaysia. Điều đó chứng minh lợi thế của bằng cấp LCCI trên thị trường lao động trong và ngoài nước .
TS.Nguyễn Cửu Đỉnh – Trưởng Khoa Kế toán – Kiểm toán
Kế toán mô phỏng
SV các ngành Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán có một chương trình đặc biệt và hiện đại: Mô phỏng kế toán. SV thực hiện tất cả các thao tác, nghiệp vụ của một kế toán viên thực thụ, trên hồ sơ chứng từ thực, do các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp hướng dẫn.
Tại Văn Lang, Mô phỏng Kế toán là môn học tạo bước đột phá rất lớn trong chương trình đào tạo, được triển khai từ năm 2004. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp SV tiếp cận thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Thông tin phản hồi từ doanh nghiệp: SV Kế toán Văn Lang ra trường có thể làm việc được ngay.
“…Mô phỏng Kế toán là cái giá trị nhất mà tôi tích lũy được trong 4 năm. Chương trình này hầu như các trường khác chưa có. Tôi đề xuất Nhà trường có thêm môn Mô phỏng Kiểm toán để SV tốt nghiệp càng nhạy bén, chuyên nghiệp hơn…
Nguyễn Sỹ Hà, Trợ lý kiểm toán Công ty PwC.
Chuyến thăm Đền Hùng – Phú Thọ
Văn Lang là ngôi trường mang quốc hiệu đầu tiên của đất nước, thầy trò trường ĐH Văn Lang ý thức sâu sắc về nguồn cội, lịch sử dân tộc. Từ năm 1997, hằng năm, Nhà trường dành một phần thưởng lớn cho những SV học tập tốt, có đóng góp cho lớp, cho trường: chuyến đi từ Văn Lang về thăm Đất Tổ Hùng Vương, thăm Thủ đô Hà Nội. Đều đặn diễn ra hằng năm, chuyến đi đã trở thành mục tiêu phấn đấu của rất nhiều SV Văn Lang.
“Cơ duyên đưa tôi đến với Văn Lang. Ở đây, tôi đã có những người bạn, người thầy và những trải nghiệm đẹp. Từ đây, tôi đã lớn hơn trong suy nghĩ, lớn hơn trong cách sống. Tôi sẽ tham gia chuyến hành trình ý nghĩa nhất đối với tôi và cũng là đối với bất kì một SV Văn Lang nào. Hành trình về Miền Đất Tổ là một phần thưởng, một cơ hội, một trách nhiệm. Tôi sẽ tận hưởng những cảnh đẹp thiên nhiên, những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử của đất nước; sẽ chụp thật nhiều hình, quay thật nhiều đoạn phim lưu lại những gì tôi thấy và cảm nhận. Tôi sẽ tự hào khi đứng trước bàn thờ Quốc Tổ báo cáo những thành tích của trường Văn Lang và của tôi nữa…”
Phạm Ngọc Chung, khoa CN&QL Môi trường
” Tham gia Đoàn Sinh viên tiêu biểu thăm viếng Đền Hùng là giấc mơ mà tôi đã ấp ủ từ những ngày đầu bước chân vào Văn Lang. Tôi cố nắm lấy cơ hội để khẳng định bản thân vì tôi biết chỉ có mình chọn lấy may mắn chứ không có may mắn nào ngẫu nhiên chọn mình. Giờ phút này, cuộc hành trình chỉ còn chưa đầy 48h đồng hồ nữa là bắt đầu, tôi đã trở thành 1 trong 24 thành viên của đoàn đi. Ngày mai, ngày mốt…khi chuyến xe lăn bánh, đường tôi đi dọc dài theo Tổ quốc, cũng là lúc cảm nhận thật trọn vẹn những gì Văn Lang đã mang lại cho tôi. Trước đây, bây giờ và sau này vẫn vậy, tôi vẫn giữ nguyên cảm nhận: Văn Lang là điểm khởi đầu vững chãi và mang lại sự trọn vẹn cho cuộc đời SV của tôi…”
Nguyễn Thị Bích Thấm, khoa Thương mại
Hòa Sắc” – lễ hội truyền thống của khoa Mỹ thuật
Công nghiệp “Chữ “TÔI” – chủ đề của HÒA SẮC 2013 sáng bừng lên trong bầu không khí náo nhiệt muốn rung từng ô cửa kính, trong sự phấn khích và sung sướng ngất ngây của những gương mặt SV Mỹ thuật Công nghiệp lấp lánh dưới ánh đèn. Lúc ấy, đằng sau cánh màn sân khấu, những chàng trai, cô gái đang vỡ òa trong hạnh phúc. Thằng tay trần trên giàn giáo, đứa chân đất dưới gạch bông, nước mắt tôi chặm bằng vai anh, họ ôm nhau rồi cùng khóc… 3 năm trên giảng đường ĐH, 3 năm hòa mình vào không khí tưng bừng của Hòa Sắc, cũng là bấy nhiêu năm tôi lăn lộn cùng các anh em Sân khấu. Họ là những người (tự nguyện) nhận việc khó, từ việc leo lên trần nhà cao tít, lên những dàn giáo chông chênh, lắp đặt mạch điện, mua nguyên vật liệu, cắt dán sân khấu… Chúng tôi đã tự tay làm ra phần “nền” cho Hòa Sắc, để Hòa sắc không chỉ là một lễ hội dành cho SV mà còn đích thực là một “sản phẩm” rất SV. Tôi còn nhớ, hôm ấy mưa lớn lắm, nước tràn cả vào Hội trường. Để ngăn nước ướt sân khấu, chập điện nguy hiểm, toàn bộ đội Sân khấu cùng với đội An ninh, Hậu cần đã vắt chân lên cổ chạy đua với nước, trong khi ngoài hiên, nhóm bạn đang chống chọi với mưa, ngăn rác làm nghẹt cống. Mình mẩy ướt mem nhưng ai cũng cười thật tươi khi sân khấu vẫn khô… Sân khấu cũng là đội duy nhất được nghỉ lại qua đêm ở trường, vào đêm sát ngày diễn ra Hòa Sắc. Gọi là “nghỉ” nhưng thật ra, số lượng và tầm quan trọng của công việc đêm ấy quyết định rất nhiều đến Hòa Sắc. Từ lúc nào không biết, đêm ấy trở thành đêm truyền thống của anh em Sân khấu. Được ngồi lại với nhau, ăn bữa khuya cùng nhau, nghe các anh cựu SV kể chuyện, có lúc rùng rợn, có lúc cười vang sảng khoái, chúng tôi được biết nhiều hơn về những anh chị khóa trước, những người đã từng xây dựng cho Hoà Sắc được như hôm nay. Và cuối cùng, là em… Tôi biết em từ khi còn là một cô bé “lanh chanh” ở phòng hình họa B105. Tôi rất ấn tượng với bàn tay nhỏ nhắn đã giơ lên thật cao để xung phong làm Bí thư của lớp. Bàn tay ấy bây giờ vẫn bé xinh, nhưng trách nhiệm mà bàn tay ấy đang nắm giữ đã to lớn hơn rất nhiều. Hòa Sắc năm xưa, em như con chim nhỏ hót líu lo trong đôi cánh lộng lẫy trên sân khấu rực rỡ ánh đèn. Hòa Sắc hôm nay, em lặng lẽ ngồi một chỗ dưới Hội trường, tay cầm giấy, tai vừa đeo kính vừa vắt dây nghe, miệng thủ thỉ vào mic: “lên đèn logo”, “mở đèn sân khấu nhá”, “chiếu polo vào MC nhanh lên”, “tắt nhạc, tắt nhạc”… Cô bé ngày xưa, hôm nay đã trở thành Bí thư Đoàn khoa Mỹ thuật Công nghiệp, là Trưởng Ban tổ chức của Hòa Sắc. Tôi biết, đó là cả một quá trình phấn đấu, trau dồi, rèn luyện bền bỉ. Luôn vững vàng, mạnh mẽ và ngày càng trưởng thành hơn nhé, cô gái đến từ Gia Lai trong Hoà Sắc, những cuộc đời trẻ trung và đầy khát vọng…” Bùi Văn Lâm, ngành Thiết kế tạo dáng sản phẩm.