Tháng 3 về không chỉ náo nức những hoạt động đặc trưng của tháng thanh niên và phong trào sinh viên mà còn cả những chuyến đi trải nghiệm thực tế, những lớp học thực hành sôi động, chào đón sinh viên quay trở lại nhịp sống học tập và làm việc tất bật tại Văn Lang.
Học online gần cả học kỳ đằng đẵng, cả lớp chỉ nhìn mặt nhau qua màn hình máy tính, vậy nên ngày quay trở lại trường, cùng làm việc nhóm với nhau khiến các chàng trai khoa Kỹ thuật Ô tô hào hứng hơn bao giờ hết: “Tụi em chỉ mới gặp nhau một ngày duy nhất sau đó là bắt đầu vào lớp thực hành. Tuy mới quen nhưng các bạn giúp đỡ nhau rất nhiệt tình. Đây là công việc cần sự kiên nhẫn nên lớp em tập trung hết mức mới có thể thao tác chính xác”. Bạn Võ Trọng Danh, sinh viên khóa 25 ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô chia sẻ.
Bước vào phòng thực hành cơ khí, sinh viên lập tức bắt tay vào việc. Tiếng cưa, mài, dũa, khoan vang khắp phân xưởng. ThS. Phan Văn Phúc – người phụ trách lớp học cùng túc trực và làm việc với sinh viên. Thao tác trên chiếc ô tô cần tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ; mỗi khi có vấn đề gì không hiểu, hoặc các bản vẽ cơ khí chưa đúng, Thầy và các bạn cùng xem lại và phân tích, chỉ ra những điểm mấu chốt đã hợp lý hay chưa.
Thực hành trong thời tiết nóng bức, dù mồ hôi lấm tấm trên vầng trán đỏ bừng, các kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Ô tô tương lai vẫn cười rạng rỡ và hăng say với công việc. Bạn Nguyễn Ngọc Luân hóm hỉnh chia sẻ: “Mệt thì có mệt nhưng tính chất của nhóm ngành này đã định sẵn là phải chịu khó và chịu cực. Bởi vậy nên tụi em xem như đây là làm quen và rèn luyện sẵn sàng cho công việc tương lai”.
ThS. Phan Văn Phúc – giảng viên phụ trách chính môn Khung và mô tô cho biết: “Thời gian học online, thầy và trò chủ yếu tiếp xúc với nhau qua màn hình máy tính. Quay trở lại buổi thực hành đầu tiên, hầu như các em đều rất phấn khởi, hăng say làm việc. Em nào còn bỡ ngỡ đều có bạn bè hỗ trợ, giúp đỡ trong các bước thực hành. Thầy và trò cùng theo sát để tạo nên thành quả tốt nhất từ kiến thức đã tiếp thu”.
Bên cạnh các tiết học thực hành tại phân xưởng, những giờ học thực hành ngoài trời hoặc tại doanh nghiệp cũng là những trải nghiệm lý thú. Ngày 23/3 vừa qua, sinh viên khóa 25 ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường có mặt tại ngã tư Phan Văn Trị và Nguyễn Thái Sơn, thực hiện công tác quan trắc chất lượng không khí của nút giao thông có mật độ phương tiện khá cao của quận Gò Vấp. Tiết thực hành nằm trong khuôn khố môn học Kỹ thuật xử lý ô nhiễm không khí.
Bạn Bùi Đăng Anh – một trong những sinh viên tham gia buổi đo quan trắc cho biết: “Chung em được phân công theo nhóm để lấy mẫu bụi, đo tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm, lượng xe giao thông, khí NO2 và SO2; từ đó xác định nồng độ ô nhiễm trong không khí. Đây là lần đầu nhóm em được trải nghiệm cảm giác đi đo và lấy mẫu không khí. Tuy ban đầu có lấy nhầm chất để hấp thu khí SO2 và NO2 nhưng sau đó cả nhóm đã chỉnh sửa lại kịp và đáp ứng các chỉ tiêu khác. Em khá hứng thú với các công việc liên quan đến khí hậu và sẽ cố gắng nhiều hơn để đạt được các mục tiêu mình đề ra trong tương lai”.
Đi xa khỏi thành phố, ngày 27/03/2022, sinh viên ngành Điện – Điện tử khóa 26 và 27 của Trường Đại học Văn Lang tham gia chuyến đi tham quan nhà máy điện mặt trời của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Trần Hùng tại tỉnh Bình Phước. TS. Phạm Quang Vinh và TS. Phan Xuân Lễ chịu trách nhiệm hướng dẫn chính cho đoàn sinh viên. Trong chuyến tham quan, sinh viên tìm hiểu về loạt hệ thống pin năng lượng mặt trời, hệ thống inverter hòa lưới và trạm biến áp, hiểu hơn về công việc thực tế mà ngành nghề mình đang theo đuổi. Những chuyến đi thực tế cũng là một trong những yếu tố góp phần kết nối sinh viên với nhau, tạo nên những tình bạn đẹp.
Với định hướng là trường đại học ứng dụng, Đại học Văn Lang chú trọng việc thực tế hóa các kiến thức chuyên môn cho sinh viên. Công nghệ – Kỹ thuật là một trong những khối ngành trọng điểm mà Văn Lang quan tâm và đầu tư, không chỉ tại các lớp thực hành tại phân xưởng mà thường xuyên tổ chức thực tập, thực hành tại doanh nghiệp và những chuyến đi thực tế ở các tỉnh, tăng vốn kiến thức, kỹ năng làm việc, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh tay nghề cho sinh viên, chuẩn bị cho tương lai gia nhập thị trường lao động.
Hoàng Tiên