Ngày 03 – 04/07/2020, Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Văn Lang tổ chức Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp đợt 1 cho sinh viên khoá 22 ngành Kỹ thuật Phần mềm. Các đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp (Capstone Project) luôn là sự kiện lớn của ngành Kỹ thuật Phần mềm, với sự tham gia của sinh viên, giảng viên và các doanh nghiệp/ tổ chức đặt hàng đồ án.
Đồ án tốt nghiệp (Capstone Project) là một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Phần mềm Trường Đại học Văn Lang, dùng để đánh giá kiến thức và kỹ năng của sinh viên sau một thời gian dài học tập và nghiên cứu. Quá trình triển khai cho sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp cũng khẳng định sự nghiêm túc trong phương châm đào tạo, định hướng giảng dạy của ngành Kỹ thuật Phần mềm, theo các tiêu chí đào tạo của chương trình Đại học Carnege Mellon (đại học số 1 của Mỹ về công nghệ thông tin) – đơn vị chuyển giao chương trình cho Đại học Văn Lang.
Với 36 sinh viên khóa K22T được chia thành 7 nhóm, 7 Capstone Project được trình bày trước Hội đồng trong 2 ngày 03-04/7/2020, đề tài phong phú, ứng dụng trên nhiều lĩnh vực. Dù thực hiện sản phẩm trong thời gian giãn cách của đại dịch Covid-19, nhưng hầu hết đồ án thể hiện kiến thức chuyên ngành vững vàng, lý lẽ thuyết phục, lập luận rõ ràng, đầy đủ mô phỏng sản phẩm, nhận được đánh giá cao từ Hội đồng.
Như thông lệ, mỗi Capstone Project thường có 30 tuần thực hiện và được gói gọn trong 20 phút trình bày trước Hội đồng. Tất cả các đề tài đều được đặt hàng trực tiếp từ các doanh nghiệp/ tổ chức có nhu cầu, từ đó sinh viên ứng dụng lý thuyết đã được học, tìm ý tưởng từ những yêu cầu của khách hàng, phác thảo kiến trúc phần mềm và hoàn thành, chỉnh sửa sản phẩm theo yêu cầu khách hàng.
Service Management được xây dựng dưới hình thức một website – cầu nối tiện lợi cho phép người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ kết nối và giao dịch an toàn, dễ dàng. Hội đồng đánh giá kỹ phần tương tác trên website và trên điện thoại, từ đó rút ra những ưu điểm và lưu ý cần chỉnh sửa để dự án hoàn thiện và vận hành tốt hơn. Khách hàng doanh nghiệp đánh giá cao quá trình làm việc của nhóm sinh viên vì các bạn chủ động trong công việc và luôn theo sát tiến độ dự án.
Xuất phát từ thực tế sinh viên Trường Đại học Văn Lang chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về các sự kiện, hội thảo được tổ chức tại trường, tìm hiểu những vấn đề mà đàn anh khóa K21 đi trước đã gặp phải, “EventBox” được xây dựng để chuyên đăng tải, cập nhật các thông tin về event nhanh chóng và phù hợp; cùng một ứng dụng trên nền tảng mobile để đăng kí và check in thuận tiện cho sinh viên Trường Đại học Văn Lang.
Dưới góc độ là khách hàng, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Trường Đại học Văn Lang đánh giá cao dự án vì đã giải quyết được bài toán khó, đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn sinh viên tham gia sự kiện và yêu cầu của Ban giám hiệu – “mỗi ngày ở Văn Lang là một sự kiện”. Với dự án “Event Box”, mỗi đơn vị tổ chức sẽ tự chủ được các sự kiện sẽ diễn ra. Khách hàng cũng đánh giá cao thái độ chịu học hỏi và cần cù của các bạn sinh viên trong nhóm.
Xuất phát từ yêu cầu quản lý của các công ty bất động sản có quy mô vừa và nhỏ, ứng dụng được triển khai với hai dạng: website quản lý dùng để quản lý nhân viên, dự án của công ty, quản lý các báo cáo thống kê rõ ràng và trực quan đối với người quản lý; đi kèm là app mobile chạy được trên cả hai nền tảng IOS và Android để nhân viên quản lý thông tin, doanh số cũng như xem các thông tin cơ bản của công ty.
Đây là một ứng dụng mobile được xem như trợ thủ đắc lực cho các đối tượng là du học sinh, người lao động hay khách du lịch quan tâm tới Nhật Bản, nhằm nâng cao hiệu quả học tiếng Nhật, chinh phục các các cấp độ N1, N2, N3, N4, N5 của tiếng Nhật mà không phải mất quá nhiều thời gian và công sức như trước đây. Các bài kiểm tra sẽ được đăng tải và chấm điểm trực quan từ giảng viên, người dùng có thể học từ vựng (học chữ và luyện nói) qua bảng từ điển, cũng như hoàn thiện kỹ năng nghe qua các video hoặc audio được đăng tải trên ứng dụng.
Đây là một website cung cấp dịch vụ kết nối nhân sự và mang đến cơ hội phát triển nghề nghiệp giữa nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp. Hệ thống có nhiều ưu điểm: là một công cụ thông minh khi tích hợp khả năng tạo CV online cho sinh viên, tự động gợi ý các công việc phù hợp với nhu cầu của ứng viên, gửi CV/Profile đến nhà tuyển dụng, phản hồi các hồi đáp từ phía tuyển dụng đến các ứng viên; Quản lý công nghệ số khi nền tảng tự động hóa quy trình tuyển dụng, cho phép công ty quản lý đăng tải các thông tin tuyển dụng cần thiết, quản lý danh sách các ứng cử viên được gửi đến công ty, chủ động tìm và gợi ý các ứng viên phù hợp cơ bản; tạo cổng trực tuyến đăng ký thư giới thiệu thực tập với hồ sơ online của sinh viên, rút gọn quy trình thời gian xin giấy giới thiệu với nhà trường, quy trình tạo phiếu tiếp nhận thực tập; nhà trường có thể chủ động trong quan sát dữ liệu từ phía nhà tuyển dụng dựa trên các nhu cầu nghề nghiệp thực tế của doanh nghiệp – xã hội để đưa ra giải pháp lộ trình giảng dạy cũng như phát triển các ngành nghề mới.
Hội đồng đánh giá dự án tuy vẫn còn nhiều thiếu sót so với thực tế cũng như chưa thể đáp ứng hai chiều từ doanh nghiệp – sinh viên về mục tiêu lâu dài trong tương lai, nhưng dự án nhận được sự đánh giá cao từ phía đơn vị đặt hàng khi hoàn thành tốt việc xử lý các quy tắc ràng buộc nghiệp vụ của cấu trúc hoạt động nghiệp vụ đối với lĩnh vực này.
OOC Solution (3PS) là sản phẩm giúp nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, bám sát chiến lược và mô hình kinh doanh. Phần mềm quản lý doanh nghiệp digiiMS hiện bao gồm các module Cơ cấu tổ chức (digiiOST), Thông tin nhân sự (digiiHRI), Quản lý năng lực (digiiCAT), Đánh giá kết quả (digiiKPI), Quản lý đãi ngộ (digiiC&B), và Quản lý giao việc (digiiTASK).
Ứng dụng “Work Management” là một ứng dụng trên mobile, sử dụng hai ngôn ngữ Việt – Anh, nhằm giải quyết nhu cầu rút gọn quy trình vận hành của nhiều công ty bất động sản hiện nay. Ứng dụng cho phép nhân viên quản lý và lập kế hoạch dự án dễ dàng (tạo cột mốc, tệp cuộc họp, thảo luận,…) trong một cú nhấp chuột nhưng lại không bỏ qua các kế hoạch quan trong của dự án. Hệ thống giúp nhân viên không bỏ lỡ việc theo dõi kế hoạch hoặc lịch trình công việc của cá nhân, các bộ phận khác hoặc với khách hàng; luôn cập nhật các công việc đang chờ xử lý, các công việc sẽ được chỉ định, các dịch vụ sẽ được cung cấp cho khách hàng, các khoản thanh toán đang chờ xử lý,…
Ứng dụng được Công ty BigProTech đánh giá rất cao bởi đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng cũng như phản ứng nhanh nhẹn của nhóm sinh viên. GVHD Nguyễn Hữu Quốc khen ngợi: “Về mặt kỹ thuật, dự án đã được nhóm phát triển áp dụng nhiều kỹ thuật mới, đồng thời, nhóm phát triển cực kỳ bản lĩnh và tự chủ trong việc giải quyết các sự cố, rủi ro trong quá trình thực hiện dự án, cũng như liên tục chủ động liên lạc cập nhật tình hình sản phẩm giữa nhóm – giảng viên – khách hàng”.
Với sinh viên khóa 22 ngành Kỹ thuật Phần mềm, tiếp xúc quy trình làm việc chuyên nghiệp theo chuẩn đào tạo dự án phần mềm của CMU khiến các bạn đối mặt với các rủi ro trong quá trình xây dựng sản phẩm, áp lực về thời gian, sự không đồng nhất giữa các thành viên, thậm chí có những nhóm tưởng chừng như đã xây dựng sản phẩm thất bại và có thể phải “hẹn gặp lại” vào học kỳ sau. Nhưng với sự nỗ lực học hỏi, dày công nghiên cứu, cố gắng lắng nghe hướng dẫn phân tích và chỉnh sửa tận tình của giảng viên, các nhóm đã hoàn thiện phần mềm ứng dụng có thể bàn giao cho khách hàng, có khả năng ứng dụng thực tiễn vào đời sống.
Hội đồng đã đưa ra nhiều nhận xét chi tiết, góp ý, chia sẻ tận tình với từng đồ án, ghi nhận và khen ngợi những đồ án xuất sắc. Từ những câu hỏi phản biện của Hội đồng, sinh viên nhìn ra được điểm sai, điểm thiếu sót trong từng dự án. Hơn cả điểm số, cả quy trình thực hiện báo cáo đồ án Capstone Project là hành trang giúp các bạn sinh viên nhận thức sâu sắc hơn về quản lý thời gian, sự tự lập và trách nhiệm, tìm thấy bản thân trong hành trình nghề nghiệp, đối thoại với “khách hàng” trong tương lai.
Ngân Trần – Nguyễn Hiếu