Trần Quốc Thái: Thành công là một quá trình

(TT. Thông tin – Văn Lang, 21/6/2014) – Không ai đạt được mong muốn, ước mơ mà không trải qua khó khăn, thử thách. Sự thành công vì thế thực sự là một quá trình lao động không ngừng nghỉ, để mỗi ngày bản thân từng bước tiến đến gần hơn với mục tiêu của mình. Xin chia sẻ câu chuyện của anh Trần Quốc Thái – cựu Sinh viên khóa 3 ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành.

Anh có thể chia sẻ một chút về con đường nghề nghiệp của mình sau hơn 10 năm trong nghề?

Với tấm bằng xếp loại ưu – tốt nghiệp thủ khoa năm 2002, tôi nhanh chóng tìm được công việc phù hợp. Nhưng tháng lương đầu tiên tôi nhận chỉ 260.000 đồng. 3 tháng tiếp theo tăng lên 800.000 đồng. 5 tháng kế, tôi mới được kí hợp đồng chính thức với lương ngạch bậc theo quy định. Đường vào nghề tuy khó khăn và chật vật, mức thu nhập ban đầu lại thấp, song để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, đôi khi bạn phải biết chấp nhận. Hơn nữa, trước khi yêu cầu quyền lợi cho bản thân, bạn hãy tự hỏi, mình đã đóng góp được gì cho đơn vị, từ đó, đặt mục tiêu cố gắng. Tôi cũng vậy.

Gần 1 năm sau, tôi được công ty điều đi công tác ở nước ngoài. 6 năm làm việc xa nhà (từ 2003 đến 2009), với tôi, đó thật sự là một thách thức, nhưng đồng thời là một cơ hội. Nó giúp tôi bồi đắp vốn hiểu biết, cho tôi nhiều trải nghiệm về nghề, và cả sự tự tin để khẳng định mình

Đó cũng chính là nền tảng đưa tôi đến một nấc thang cao hơn trong nghề. Từ năm 2009 đến nay, tôi đảm nhận vị trí quản lý tại Công ty Vietravel, chi nhánh tỉnh Bình Thuận.

Kiến thức và kỹ năng được học đại học đã hỗ trợ anh như thế nào trong công việc?

Có thể nói, kiến thức và kỹ năng được học trong 4 năm đại học có ý nghĩa rất lớn đối với tôi trên bước đường lập nghiệp. Tôi luôn tự hào về điều đó, không chỉ trong thời gian đầu đi làm. Nhiều năm sau khi ra trường, đôi lúc gặp phải những “ca” khó, tôi thử lật tập vở ghi chép ngày xưa, xem lại bài giảng của thầy cô, và từ đó, không ít lần tôi tìm được hướng giải quyết.

tran quoc thai 001Anh Trần Quốc Thái – cựu Sinh viên khóa 3 ngành Quản trị DV Du lịch & Lữ hành, Phó Giám đốc chi nhánh Phan Thiết, Công ty Vietravel.

Trong vai trò người quản lý, trải nghiệm công tác tuyển dụng, tôi càng ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của kiến thức sau 4 năm tích lũy được trên giảng đường Văn Lang. Kiến thức luôn là thông số, giúp bạn nhân đôi giá trị bản thân mình với nhà tuyển dụng, trong số rất nhiều thành tố mang tính cộng hưởng như thái độ, tác phong, kỹ năng, ngoại ngữ, kinh nghiệm,…

Nói như thế để các bạn thấy rằng, quãng đời Sinh viên với mỗi người có ý nghĩa vô cùng quan trọng: nó quyết định con đường bạn đi như thế nào; và cũng để các bạn biết rằng, ngay từ bây giờ, chúng ta nên làm và sẽ làm gì. Theo tôi, điều đầu tiên, bạn phải có mục tiêu. Mục tiêu giúp bạn phấn đấu, nhờ đó thúc đẩy bản thân ngày càng tiến bộ. Thứ đến, bạn phải biết tôn trọng và thực hiện tốt nội quy của Nhà trường (tính kỷ luật luôn cần, nhất là với người làm du lịch, ở bất kỳ môi trường nào). Sau đó, là quá trình đầu tư cho sự học. Ở bậc đại học, thầy cô chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt. Họ hướng dẫn Sinh viên cách thức tiếp cận vấn đề, còn lại, tất cả phụ thuộc vào thái độ tự học và sự cố gắng, nỗ lực của bạn.

Được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người, được hiểu biết nhiều nền văn hóa… thường là mong muốn của nhiều người khi chọn học ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Anh theo đuổi ngành này phải chăng cũng từ xuất phát đó?

Đúng vậy. Khi chọn thi và học du lịch, tôi nghĩ đây là ngành có môi trường năng động, được đi đây đó, mặc đồng phục đẹp, và giúp mình “cái gì cũng biết”. Bây giờ tôi thấy lựa chọn đó là đúng, nhưng cũng có vài điều mình nghĩ chưa đúng lắm. Với nghề này, bạn có điều kiện đặt chân đến nhiều nói, có cơ hội và thời gian bổ sung kiến thức, bằng cấp nhưng không đủ để trở thành người “cái gì cũng biết”!

Cảm nhận của anh về công việc của một người hướng dẫn viên?

Đối với tôi, hướng dẫn viên không phải là người “mua vui”, “hầu hạ” hay “chăn dắt” khách mà là người bạn giúp du khách cảm thụ sự thư thái, an vui khi đi du lịch. Vì thế, tôi thường ví von: du lịch là một nghệ thuật và hướng dẫn viên là một nghệ sĩ. Người “nghệ sĩ” ấy ngoài đam mê, còn cần cả sự tâm huyết.

Thích trở thành hướng dẫn viên du lịch, nhưng khi chọn ngành, nhiều bạn vẫn phân vân vì nhiều lý do, VD như không đi được tàu xe. Những khó khăn nho nhỏ này đôi khi cản trở các bạn theo đuổi đam mê của mình, anh có lời khuyên nào không ạ?

Nếu như thích học Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, các bạn phải đối diện với những khó khăn ban đầu. Theo tôi, hiện tượng say tàu xe chỉ mang tính cục bộ, hiện tượng này rồi sẽ hết sau một thời gian “chinh chiến”, nhất là các bạn nữ.

Du lịch là nghề yêu cầu công việc xa nhà. Phần lớn phụ nữ hầu như không muốn điều đó. Họ muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tuy nhiên, nếu có lo lắng về vấn đề đó, thì tôi nghĩ các bạn yên tâm. Thực tế tại Công ty Vietravel nói riêng, đã có rất nhiều phụ nữ thành công trong nghề nhưng vẫn có một cuộc sống gia đình hạnh phúc đấy.

Kể ra, những trở ngai “nho nhỏ” như trên thì nhiều vô kể. Và không chỉ đối với ngành Du lịch, ngành nào cũng có những khó khăn như vậy cả. Nếu bạn đam mê, bạn sẽ tìm được cách vượt qua. Còn nếu không đam mê, khó khăn nhỏ sẽ thành trở lực lớn.

Để khởi nghiệp thuận lợi, và làm tốt công việc của 1 hướng dẫn viên, theo anh, các bạn cần trang bị những gì trong 4 năm ĐH?

Ở góc độ nghề nghiệp, tôi thấy rằng các bạn Sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (cũng như Quản trị Khách sạn), khi còn trên ghế nhà trường nên:

  • Luôn học hỏi và trau dồi kiến thức chuyên môn ngay trên ghế nhà trường. Đó là những kiến thức cơ bản nhất bạn được trang bị qua giáo trình học, qua các hoạt động ngoại khóa, các chuyến đi thực tế và cách cập nhật thông tin.
  • Tạo cho mình thói quen nghiêm túc chấp hành nội quy của trường (giờ giấc, đồng phục, thời gian học tập.. Môi trường làm việc vốn khắt khe, vậy nên khi tuyển dụng doanh nghiệp sẽ đánh giá các bạn một cách toàn diện.
  • Tham gia các phong trào đoàn, các hoạt động xã hội để học hỏi kỹ năng mềm. Công việc của các bạn rất cần chúng.
  • Dù bạn làm việc ở Việt Nam hay nước ngoài, ngoại ngữ luôn là 1 lợi thế, nhất là với ngành du lịch. Vì vậy, các bạn nên học tốt ít nhất 1 ngoại ngữ. Bản thôi tôi, nếu không có vốn ngoại ngữ, thì 10 năm trước, có lẽ tôi đã đánh mất cơ hội phát triển mình.
  • Sắp xếp thời gian, tham gia học hỏi nghề nghiệp từ môi trường thực tế qua một số tour của các công ty lữ hành trong vai trò phụ hướng dẫn. Kinh nghiệm này sẽ giúp bạn ghi thêm nhiều điểm cộng khi tham gia ứng tuyển.

Ra đời, trong quá trình làm việc, các bạn hãy lắng nghe, cố gắng ghi chú cẩn thận và trân trọng ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, khách hàng, hay giới chuyên môn. Bạn có thể “take note” chúng dưới mọi hình thức, miễn sao tất cả trở thành bài học cụ thể. Theo tôi, người làm nghề hướng dẫn viên du lịch không nên cho phép mình tự mãn, và chai ỳ trong ý tưởng mà phải luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc và học hỏi, bởi kiến thức cần được cập nhật và làm giàu suốt đời.

tran quoc thai 002Để bài học trên trang giấy trở nên sống động hơn, đồng thời giúp Sinh viên của ngành được tiếp cận nhiều hơn với công việc về sau, bên cạnh những chuyến đi thực tế, khoa Du lịch còn tổ chức các lớp học mô phỏng doanh nghiệp du lịch.
ảnh trái: Sinh viên khóa 16 làm việc nhóm trong Tuần lễ Mô phỏng doanh nghiệp du lịch (3/2014)
ảnh phải: Sinh viên khóa 18 tham gia chuyến thực tập tour Miền Tây – Phú Quốc (4/2013)

Anh có lời khuyên nào dành cho cho các bạn đang và sẽ theo học ngành này?

Tìm được một công việc phù hợp chuyên môn sau khi ra trường, với mức thu nhập cao luôn là niềm mong ước của mọi Sinh viên. Là người trong nghề, và dựa trên nhu cầu nhân lực xã hội, tôi có thể khẳng định, tìm việc không khó. Thay vì lo lắng, băn khoăn, các bạn nên bắt tay ngay vào chuẩn bị cho những điều kiện cần và đủ trước khi bước vào thị trường lao động. Dù gì, ở đó bạn cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa những người bạn tốt nghiệp cùng ngành.

Làm việc, dù bất cứ công việc gì, ở vị trí nào, điều cần ở bạn luôn là sự đam mê và gắn bó, bên cạnh đó là quyết tâm. Tức là đã chọn nghề thì phải theo nghề đến cùng, không nên có ý tưởng “đứng núi này trông núi nọ”.

Cũng giống như bất cứ ngành nghề nào khác, trong ngành du lịch, cám dỗ vật chất là điều khó tránh khỏi. Bản thân tôi đã gặp, nhưng tôi đã được học về đạo đức nghề nghiệp và thái độ làm việc chuyên nghiệp; tôi tôn trọng nghề, tôn trọng lợi ích của khách hàng, và vì thế, tôi đủ mạnh để vượt qua nó. Các bạn là những người trẻ, ước vọng thường lớn lao, song sự trải nghiệm lại chưa nhiều, sự cám dỗ bởi vậy đôi khi rất dễ đánh gục bạn. Nhưng tôi tin, bản lĩnh nghề nghiệp được rèn luyện sẽ giúp các bạn đứng vững.

Được biết, hiện tại có 2 Sinh viên Văn Lang đang đầu quân tại công ty anh. Qua quá trình làm việc với các bạn, anh có nhận xét gì?

Hiện tại, tôi cũng đã tuyển dụng thêm 2 nhân sự thuộc Khoá 13 khoa Du lịch và 1 nhân sự Khoá 13 khoa Kế toán của trường ĐH Văn Lang. Các bạn làm việc năng động, kỹ năng mềm khá tốt và có khả năng phát triển trong tương lai. Hy vọng họ sẽ nỗ lực nhiều hơn để trở thành lực lượng nòng cốt của đơn vị.

Nghĩ về Văn Lang, điều gì khiến anh nhớ nhất?

Nhớ về thời Sinh viên, có lẽ điều khiến tôi khó quên nhất là bộ đồng phục khoa Du lịch. Nó cho tôi cảm giác tôi và các bạn là một hướng dẫn viên du lịch thực thụ với áo sơ mi trắng, cà vạt đen, quần tây, giày tây; và bạn bè tôi: áo dài hồng. Tôi vẫn nhớ về “màu cờ sắc áo” ấy.

du lich

Tôi nhớ những người thầy người cô, nhớ cả những lúc ngủ gật trên lớp và … bị thầy phạt nữa. Từ những năm tháng học tập ở Văn Lang, tôi có một nền tảng vững chắc để vào đời. Tôi luôn thầm cảm ơn Văn Lang và tự hào về điều đó.

Hướng phấn đấu của anh trong tương lai? 

Sự thành công không bao giờ thành tự dễ dàng. Khó khăn, thất bại, sai lầm… tôi đều đã trải qua. Tôi hài lòng với những gì mình đạt được ở hiện tại. Nhưng tôi muốn phấn đấu hơn nữa, để có thể tiếp tục đóng góp sức mình vào sự phát triển của đơn vị, cũng như ngành du lịch Việt Nam nói chung.

Xuân Phương (thực hiện)

Tin tức mới nhất

Ngành Y Khoa

Mã ngành: 7720101 Thời gian đào tạo: 6 năm Văn bằng: Bác sĩ Y khoa Tổ hợp môn: A00: Toán – Lý...

Từ ngày 08 -12/10/2022, tân sinh viên Khóa 28 đăng ký xét Học bổng tuyển sinh

Ngày 08/10, Trường Đại học Văn Lang thông báo bắt đầu nhận hồ sơ xét Học bổng tuyển sinh...

Cầu thủ trẻ CLB Bóng đá Phố Hiến nhập học Trường Đại học Văn Lang

Chiều ngày 29/09/2022, 05 cầu thủ trẻ đến từ CLB Bóng đá Phố Hiến, hiện đang tham dự đội...

Cơ hội trải nghiệm học tập tại Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ) cho sinh viên Văn Lang

Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học Nebraska Omaha (Hoa Kỳ)...

Bài viết liên quan