(P. Tuyển sinh – Văn Lang, ngày 17/3/2017) – Ngày 16/3/2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo ra Quyết định số 813/QĐ-BGDĐT, cho phép Trường Đại học Văn Lang đào tạo ngành Luật Kinh tế, trình độ đại học hệ chính quy.
Dựa trên quyết định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trường Đại học Văn Lang thông báo xét tuyển 100 sinh viên ngành Luật Kinh tế trong mùa tuyển sinh năm 2017; trong đó, 70 chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 và 30 chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ THPT.
Luật Kinh tế – nhu cầu nhân lực tương lai
Theo nghiên cứu của Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam cần đội ngũ luật sư từ 18.000 đến 20.000 người, tỷ lệ luật sư trên số dân cần đạt khoảng 1/4.500. Tuy nhiên, cả nước chỉ có khoảng 25 cơ sở đào tạo liên quan đến ngành Luật, miền Nam chỉ có 13 cơ sở đào tạo từ 3.500 đến 4.000 cử nhân Luật mỗi năm, còn nhỏ so với nhu cầu. Với thị trường năng động phía Nam, đào tạo Luật Kinh tế là một hướng đi đúng đắn.

Năm 2017, Trường Đại học Văn Lang xét tuyển 22 ngành đào tạo bậc đại học, hệ chính quy.
Ảnh: Học sinh trường THPT Gia Định, Tp. HCM
Bạn sẽ học gì?
- Kiến thức cơ sở khối ngành: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Lý luận Nhà nước và pháp luật, Lịch sử Nhà nước và pháp luật, Luật học so sánh.
- Kiến thức ngành: Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật tố tụng dân sự, Luật Hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật Thương mại, Pháp luật hôn nhân và gia đình, Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, Xây dựng văn bản pháp luật.
- Kiến thức chuyên ngành: Luật Tài chính, Luật Ngân hàng, Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Lao động, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật đầu tư, Luật Thương mại quốc tế, Pháp luật hợp đồng trong kinh tế, Pháp luật về thương mại điện tử, Anh văn chuyên ngành.
Chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế của Trường ĐH Văn Lang chú trọng tính ứng dụng thực tiễn giúp sinh viên phát triển toàn diện kỹ năng chuyên môn thông qua hoạt động “mô phỏng” phiên tòa giả định, “Ngày hội pháp luật”, hoạt động thực tập cuối khóa… Nhà trường rèn luyện kỹ năng mềm cần thiết: đàm phán, giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm… giúp người học tự tin làm việc và khẳng định bản thân trong môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Cơ hội việc làm
Do nhu cầu cán bộ pháp lý trong lĩnh vực kinh tế tăng cao, khi nền kinh tế Việt Nam tăng cường hội nhập, cơ hội việc làm của Cử nhân Luật kinh tế hiện đang rộng mở.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế; làm việc tại tòa kinh tế thuộc hệ thống tòa án nhân dân, các tổ chức trọng tài thương mại và các đơn vị dịch vụ, tư vấn pháp luật kinh doanh; làm việc tại bộ phận pháp chế, bộ phận tư vấn cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật; làm việc trong các cơ quan Nhà nước (Sở Tư pháp, Phòng Kinh tế, Viện Kiểm sát, Sở Công thương, cục thuế, hải quan,…); làm công tác nghiên cứu trong các viện nghiên cứu về Nhà nước và pháp luật; giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngành.
04 tổ hợp môn xét tuyển: Toán, Vật Lý, Hóa học (A00); Toán, Vật lý, Tiếng Anh (A01); Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (D01); Văn, Lịch sử, Địa lý (C00) Thời gian học: 4 năm.
Loại hình đào tạo: Chính quy Văn bằng: Cử nhân Luật Kinh tế
Phòng Tuyển sinh