Ngày 29/7/2020, trong bối cảnh xã hội bước vào giai đoạn 2 của phòng chống dịch Covid-19, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo Khoa học Công nghệ sinh học Ứng dụng lần II, với nhiều thông tin khoa học liên quan đến lĩnh vực Công nghệ Sinh học ứng dụng trong Y học, Dược phẩm, Thực phẩm, Môi trường,…
Nối tiếp thành công từ Hội thảo Công nghệ Sinh học Ứng dụng lần 1 năm 2019, Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang tiếp tục tổ chức Hội thảo Công nghệ Sinh học ứng dụng lần 2 với mong muốn làm cầu nối giữa các viện, trường đại học và doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, mở rộng quan hệ hợp tác, chuyển giao công nghệ và liên kết đào tạo.
Hội thảo khoa học về Công nghệ Sinh học ứng dụng lần 2 của Trường Đại học Văn Lang có sự tham dự của đại diện các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các trường đại học đào tạo Công nghệ Sinh học tại Tp. HCM. PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh – Trưởng Khoa Công nghệ, lãnh đạo các Khoa, Phòng, Ban; giảng viên, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học và ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường Trường Đại học Văn Lang tham gia và tổ chức Hội thảo.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển trên toàn thế giới, ngành Công nghệ Sinh học đã và đang đạt được những thành tựu đáng khích lệ ứng dụng trong các lĩnh vực Y học, Dược phẩm, Thực phẩm, Môi trường và Nông nghiệp. Phát biểu mở đầu Hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu mong muốn các nghiên cứu về Công nghệ sinh học của sinh viên sẽ ứng dụng vào thực tế, sử dụng trong cuộc sống. Những hoạt động nghiên cứu đó là cơ hội để sinh viên trải nghiệm học tập theo đúng triết lý của trường, được đào tạo thông qua trải nghiệm để trở thành con người toàn diện, bắt đầu từ những dự án nghiên cứu trong nhà trường và xa hơn là làm việc đúng chuyên ngành và theo đuổi đam mê nghiên cứu, tạo ra sản phẩm có giá trị cho xã hội sau này.
Mở đầu Hội thảo, TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang báo cáo đề dẫn, chia sẻ mục tiêu đào tạo các thế hệ kỹ sư Công nghệ Sinh học chất lượng cao, yêu nghề, đam mê khoa học và sáng tạo. Trường Đại học Văn Lang hiện cập nhật và cải tiến bài giảng, giáo trình, bổ sung kiến thức theo công nghệ hiện đại, số hóa trong quản lý Công nghệ Sinh học và quản lý nông sản – thực phẩm, dược phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm tiêu dùng…; kịp thời cập nhật chương trình đào tạo theo các chương trình ưu tiên của Nhà nước về ứng dụng công nghệ, tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng quy trình chế biến nông sản, thực phẩm và dược phẩm an toàn, chất lượng.
Sau báo cáo đề dẫn của TS. Vũ Thị Quyền, Hội thảo tiếp tục lắng nghe 5 tham luận:
- Tham luận 1: “Nông nghiệp thông minh” – PGS. TS. Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp Việt Nam
- Tham luận 2: “Ứng dụng Công nghệ Sinh học trong chế biến thực phẩm” – ThS. Nguyễn Văn Thứ (Tổng Giám đốc Cty CP G.C. Food), TS. Huỳnh Thị Thanh Nga (Trưởng Phòng R&D – Cty CP G.C Food)
- Tham luận 3: “Biến đổi tập chuyển hóa và hệ vi sinh vật đường ruột trong quá trình lên men in-vitro của Carbonhydrate không tiêu hóa” – ThS. Vũ Công Danh (Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang) và TS. Nguyễn Hà Diệu Trang (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm)
- Tham luận 4: “Ứng dụng Công nghệ Sinh học trong phòng chống dịch bệnh Covid-19” – TS.BS. Hoàng Quốc Cường (Phó Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM), ThS. BS. Hoàng Thùy Linh (Phó GĐ Trung tâm Hiệu chuẩn, Thử nghiệm, Kiểm định thiết bị phòng xét nghiệm, Viện Pasteur Tp.HCM)
- Tham luận 5: Nghiên cứu khoa học sinh viên (sinh viên Trần Nguyễn Phúc Nhàn, Trương Thị Thùy Nga – ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang)
Trong các chuyên gia trình bày tham luận, có một vị khách rất đặc biệt: TS. BS. Hoàng Quốc Cường – một trong những bác sĩ tuyến đầu vào thời điểm dịch SARS – CoV2 bùng phát lần 2 tại Việt Nam. Dù hiện tại rất bận rộn, BS. Cường vẫn dành thời gian quý báu đến chia sẻ cùng thầy trò Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang và trình bày chi tiết về những ứng dụng Công nghệ Sinh học trong phòng chống dịch bệnh Covid.
Sau khi trình bày tham luận đầu buổi sáng, TS. BS. Hoàng Quốc Cường gửi lời chào thầy trò Văn Lang và tranh thủ lên đường ra Đà Nẵng để “chi viện” cho đồng nghiệp, chung tay cùng Đà Nẵng khống chế dịch trong thời điểm khó khăn này. Không chỉ khiến những người tham gia Hội thảo cảm phục, yêu mến, BS. Cường còn trình bày nhiều thông tin khoa học bổ ích trong việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ vào điều trị lâm sàng và cải tiến thiết bị y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người. Điều này tạo niềm tin cho mục tiêu đào tạo nhóm ngành Công nghệ định hướng ứng dụng của Trường Đại học Văn Lang là đúng đắn, hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho các sinh viên yêu thích lĩnh vực Công nghệ sinh học trong tương lai.
Năm 2020, bên cạnh ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường và ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ Trường Đại học Văn Lang tiếp tục mở 4 ngành đào tạo bậc đại học tiên phong tại Việt Nam:
1/ Ngành Thiết kế Xanh
2/ Ngành Quản trị Môi trường Doanh nghiệp
3/ Ngành Công nghệ Sinh học Y dược
4/ Ngành Quản trị Công nghệ Sinh học
Tất cả các ngành mở mới đều đi theo định hướng ứng dụng thực tiễn nghiên cứu khoa học vào các lĩnh vực của đời sống và tiệm cận các yêu cầu thực tế của thị trường lao động.